Cho vay mua nhà giá rẻ: Khó tiếp cận vì ngân hàng chưa mặn mà

ANTĐ - Mặc dù có thêm 10 ngân hàng thương mại được tham gia giải ngân gói tín dụng hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ đồng, tuy nhiên, tốc độ giải ngân còn rất chậm. Nguồn cung nhà ở chưa đáp ứng đủ yêu cầu và sự thiếu nhiệt tình của các ngân hàng thương mại là những nguyên nhân kìm hãm tốc độ giải ngân. 

Cho vay mua nhà giá rẻ: Khó tiếp cận vì ngân hàng chưa mặn mà ảnh 1Ngân hàng Nhà nước đang xem xét mở rộng số lượng ngân hàng tham gia giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

Cam kết nhiều, giải ngân ít

Dọn về căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) được gần 1 tháng, chị Hoàng Thu Hằng cho biết, tổng giá trị căn hộ hơn 500 triệu đồng, nhưng gia đình chị Hằng được vay tới 70% với lãi suất 5% và thời hạn vay kéo dài tới 15 năm. Chị Hằng chia sẻ: “Từ lúc làm thủ tục tới thời điểm ký hợp đồng vay chỉ trong vòng 1 tuần. Như vậy, trong thời gian hơn 1 năm kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội, gia đình tôi đã được sở hữu ngôi nhà của chính mình”.

Các chuyên gia cho rằng, không thể phủ nhận ý nghĩa của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với những gia đình mong muốn có được ngôi nhà của chính mình. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về nguồn cung nhà cũng như thủ tục vay để số lượng người tiếp cận gói tín dụng này được nhiều hơn nữa, tránh tình trạng kết thúc thời gian hỗ trợ mà vốn vẫn chưa giải ngân hết.  

Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng đối tượng được vay vốn. Bên cạnh đó, NHNN cũng đưa thêm 10 ngân hàng thương mại vào danh sách tham gia giải ngân gói vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, đưa con số các ngân hàng được tham gia lên 15 ngân hàng. Tính đến hết ngày 28-2-2015, số khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng là 14.895 khách hàng (tăng 5.519 khách hàng), với tổng số tiền cam kết cho vay hơn 11.307 tỷ đồng, tăng khoảng 53,7% so với thời điểm 31-10-2014. Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Xây dựng, tổng số tiền đã giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ đạt hơn 20%, tương đương 6.187 tỷ đồng.

Xem xét bổ sung ngân hàng cho vay

Theo các chuyên gia, tốc độ giải ngân chưa như mong đợi là do các ngân hàng không mấy mặn mà, đơn giản bởi hoạt động cho vay này hầu như không có lãi. Thậm chí, có những ngân hàng ghi danh tham gia chỉ để làm thương hiệu là chính. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận xét: “Trong 5 ngân hàng thương mại quốc doanh được Chính phủ giao triển khai các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) là tổ chức tín dụng tham gia tích cực nhất”.

Việc có thêm 10 ngân hàng thương mại tham gia được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nhưng thực tế, tới đầu tháng 3, các ngân hàng nói trên mới có những thông báo về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở. Hiện số lượng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp được vay vốn tại các ngân hàng này vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại, để triển khai giải ngân, các ngân hàng cũng cần có thời gian xây dựng kế hoạch, hơn nữa, thời điểm sau Tết Nguyên đán lượng khách vay cũng chưa nhiều. 

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) cho rằng, sở dĩ các ngân hàng giải ngân chậm là do nguồn cung nhà ở xã hội trên thị trường còn thiếu, ngân hàng muốn cho vay, nhưng ít người có đủ điều kiện vay.

Sốt ruột trước tốc độ giải ngân của gói vay 30.000 tỷ đồng, đầu tháng 3-2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có văn bản yêu cầu NHNN, Bộ Xây dựng theo thẩm quyền, nhiệm vụ được giao tiếp tục có các biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay.

NHNN cho biết, sẽ tiếp tục xem xét khả năng mở rộng số lượng ngân hàng thương mại tham gia vào gói vay này để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải ngân vào 1-6-2016, sau đúng 3 năm triển khai. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện của các ngân hàng tham gia chương trình và có văn bản chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về các quy định, thủ tục liên quan đến đối tượng vay vốn, đặc biệt là đối tượng mua, cải tạo nhà ở; có biện pháp tích cực đẩy nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với giá rẻ.