Cho vay lãi suất ưu đãi 0%

ANTĐ - Mặc dù lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm, nhưng khả năng hấp thụ của doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế. Trong bối cảnh này, các ngân hàng đang chuyển hướng sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng.

Khách hàng vay tiêu dùng cần chú ý tới lãi suất sau thời gian ưu đãi

Ngân hàng thu hút vay tiêu dùng

Để thu hút khách hàng vay tiêu dùng, nhiều ngân hàng mạnh tay đưa lãi suất cho vay xuống mức 0% trong những tháng đầu. Đại diện Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) cho biết, ngân hàng đang triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trong toàn bộ thời gian vay. Tùy khoản vay, TienPhong Bank áp dụng mức lãi suất 0% cho những tháng đầu, các tháng sau lãi suất luôn hấp dẫn, được tính dựa trên lãi suất tiết kiệm công thêm biên độ thấp nhất. Cụ thể, đối với khoản vay mua ô tô và mua tiêu dùng thế chấp bất động sản, khách hàng được hưởng lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng và từ 2 tỷ đồng trở lên. 0%  trong 1 tháng đầu cho khoản vay trên 24 tháng và dưới 2 tỷ đồng. Ngoài ra,  TienPhong Bank áp dụng mức lãi suất 10%/năm cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trong 6 tháng đầu tiên. 

Ưu đãi lãi suất về mức 0% trong các tháng đầu cũng được Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Phát Triển TP.HCM (HDBank)... đẩy mạnh triển khai. Đặc biệt HDBank dành 1.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng, mua nhà, xây/sửa nhà... với lãi suất 0% áp dụng trong tháng đầu tiên và 11,86%/năm cố định trong 11 tháng tiếp theo. “Cuộc đua” này còn có sự góp mặt của ngân hàng nước ngoài, HSBC tham gia cho vay tiêu dùng với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu. 

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cũng liên tục tung ra nhiều gói cho vay tiêu dùng, khách hàng cá nhân mua xe ôtô tại hơn 128 đại lý xe trên toàn quốc ký hợp đồng hợp tác với OCB được vay với lãi suất 5,99%/năm trong 3 tháng đầu và 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo. Khách hàng vay vốn để mua nhà, căn hộ trả góp tại các dự án ký hợp đồng hợp tác với OCB được vay với lãi suất 8,99%/năm trong 3 tháng đầu và 12,49%/năm trong 9 tháng tiếp theo. 

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng đang ở mức khá thấp, ước tính mức lãi suất các ngân hàng công bố cho khách hàng vay tiêu dùng 12 tháng đầu trung bình ở mức 6 – 10%/năm. Chị Đỗ Hồng Hạnh (Khương Trung, quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Gia đình tôi muốn ra ở riêng nên quyết định đóng tiền mua một căn hộ chung cư, tuy nhiên hiện mới chỉ có 400 triệu đồng nên phải vay thêm hơn 300 triệu đồng nữa. Vợ chồng tôi quyết định vay theo chương trình cho vay tiêu dùng. Mặc dù lãi suất cao hơn nhưng việc giải ngân cũng đơn giản hơn, nhất là khi được bố mẹ chồng đồng ý thế chấp ngôi nhà”. 

Có thể thấy, điều kiện vay tiêu dùng hoàn toàn không dễ, hầu như các ngân hàng đều yêu cầu cần có tài sản thế chấp là bất động sản hoặc bằng chính tài sản mà khách hàng vay tiền để mua. Cũng có ngân hàng không yêu cầu thế chấp nhưng thu nhập của khách hàng phải chứng minh được khả năng trả nợ.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo đánh giá của các chuyên gia, do tình hình khó khăn nên việc tăng trưởng tín dụng ở khối doanh nghiệp không dễ dàng, vì vậy đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ở khối khách hàng cá nhân, vay tiêu dùng với lãi suất thấp là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong giai đoạn hiện nay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6, tín dụng tăng 4,5% so với cuối năm 2012. Mức tăng này được cho là đột biến vì trước đó, tính cả 5 tháng tín dụng mới chỉ tăng được 2,98%. Kết quả này bắt nguồn từ hàng loạt các động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước và từ việc các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc cho vay tiêu dùng. 

Tuy nhiên, việc rót quá nhiều vốn vào cho vay tiêu dùng cũng khiến hệ thống ngân hàng đứng trước nhiều nguy cơ. Trong khi giảm lãi suất xuống mức thấp, các ngân hàng còn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn cho các khoản vay tiêu dùng. Đó là chưa kể tới khả năng không thu hồi được vốn do người vay gặp khó khăn, vì vậy khả năng đối mặt với thua lỗ cũng cần được các ngân hàng tính tới. Còn đối với người vay, điều mà các chuyên gia luôn khuyến cáo là cần tìm hiểu kỹ gói vay, lãi suất trong thời điểm ưu đãi có thể là 0%, sau đó sẽ được tính như thế nào, cụ thể là bao nhiêu, trả nợ trước hạn có bị tính phí hay không? Có như vậy mới tránh được “bẫy” phải vay với lãi suất cao và mất kiểm soát việc trả nợ. 

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VP Bank cho rằng, nhiều ngân hàng đứng trước áp lực tăng trưởng tín dụng nên tìm mọi cách đẩy vốn ra, trong đó phát triển cho vay tiêu dùng. Đây có thể là mầm mống của rủi ro và nó có thể xảy ra sau vài năm tới, như bài học đã từng xảy ra năm 2009. Nếu không cẩn trọng sẽ lặp lại vòng xoáy nợ xấu, tăng trưởng nóng như thời gian qua.

Ông Louis Taylor - Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo, không nên để nguồn thanh khoản dồi dào hiện tại chảy quá nhiều vào lĩnh vực tiêu dùng,  nên thúc đẩy dòng tiền chảy vào lĩnh vực sản xuất.