Cho vay có trách nhiệm: Tưởng dễ mà khó!

ANTD.VN - Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, siết chặt quy trình nội bộ, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự từ khâu thẩm định hồ sơ, giải ngân đến khâu thu hồi nợ được coi là cam kết cho vay có trách nhiệm của các công ty tài chính. Đây được coi là những động thái quan trọng nhất để thị trường cho vay tiêu dùng thực sự lành mạnh và phát triển bền vững.

Cần cả nỗ lực từ phía khách hàng

Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk mới đây tiếp nhận vụ việc anh Đặng Hồng Ng., nhân viên thu hồi nợ của một công ty tài chính trên địa bàn trong quá trình làm việc, tiếp xúc khách hàng để thu hồi khoản tiền nợ quá hạn đã bị người nhà khách hàng cầm đầu một nhóm người gây thương tích nghiêm trọng.

Sau khi tiến hành điều tra, truy xét, củng cố tài liệu chứng cứ về hành vi cố ý gây thương tích của nhóm đối tượng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Hoàng Văn Tr. về tội cố ý gây thương tích, quy định tại khoản 1, điều điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cơ quan chức năng tiến hành giám định thương tích đối với anh Ng.

Ghi nhận từ các cơ quan chức năng cho thấy, trường hợp trên không phải là cá biệt. Thực tế đã có nhiều vụ việc nhân viên thu hồi nợ của các công ty tài chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã bị hành hung, đánh đập, gây thương tích ở nhiều mức độ khác nhau. Nguyên nhân là do khách hàng không có khả năng trả nợ, hoặc chây ỳ không muốn trả nợ.

Theo đại diện của một công ty tài chính, đây là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này luôn phải đối mặt: “Tại thời điểm đi vay, khách hàng đáp ứng được các tiêu chuẩn thẩm định vay nên mới được xét duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, trong quá trình thanh toán lại phát sinh nhiều vấn đề. Có rất nhiều trường hợp khách hàng không thanh toán, thay số điện thoại, thậm chí bỏ trốn khỏi nơi sinh sống, khiến khoản nợ không thể thu hồi”.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Việc giải quyết các mâu thuẫn giữa bên cho vay và khách hàng đi vay cần sự nỗ lực từ cả 2 phía vì trách nhiệm đi vay hay trách nhiệm cho vay của cả 2 bên đều quan trọng như nhau. Chỉ khi cả 2 bên thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình thì mới có thể giúp thị trường cho vay tiêu dùng thực sự lành mạnh và phát triển bền vững”.

Cẩn trọng hơn trong quy trình xét, duyệt vay

Cụ thể, TS. Hiếu cho rằng, “về phía khách hàng, họ cần phải cân nhắc và được tư vấn cụ thể về sự cần thiết của khoản vay, khả năng trả nợ của bản thân, đồng thời tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng về khoản vay, số tiền lãi, số tiền cần trả hàng tháng và các quy định về nợ quá hạn”. Về vấn đề này, theo đánh giá của chuyên gia, hiện nay, các công ty tài chính đã làm khá tốt và có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, tâm huyết và trách nhiệm với khách hàng.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý: “Quy trình thẩm định hồ sơ tín dụng của khách hàng cần được xem xét cẩn trọng hơn, vì việc cho vay càng chặt chẽ bao nhiêu thì việc thu hồi nợ sẽ càng dễ dàng bấy nhiêu”. Tuy nhiên, ông cho biết, các công ty tài chính cũng gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, theo quy trình chung, mỗi hồ sơ khách hàng sẽ được xét duyệt, thẩm định nhiều vòng, trong đó bao gồm việc căn cứ vào hệ thống dữ liệu điểm tín dụng cá nhân do Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) cung cấp. Điểm tín dụng  của mỗi công dân được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố, từ lịch sử giao dịch với ngân hàng đến hóa đơn điện nước, mua sắm siêu thị…, nên có thể phác thảo khá toàn diện tình hình tài chính cá nhân của người đó.

“Ở các nước khác, họ cũng làm tương tự như thế”. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng lý giải thêm, ở các nền kinh tế khác, đặc biệt là các quốc gia phát triển có hệ thống tài chính cực kỳ hiện đại và quan trọng nhất là giao dịch chủ yếu qua ngân hàng nên các khoản chi tiêu đều có “vết”. Nhờ vậy mà điểm tín dụng cá nhân của từng người được ghi nhận hầu như là đầy đủ và chính xác.

“Trong khi đó, người tiêu dùng nước mình vẫn sử dụng tiền mặt là hình thức giao dịch chính, các khoản thu chi, nợ xấu, nợ tốt đều ít để lại “vết” nên việc thu thập thông tin tài chính và chấm điểm tín dụng cá nhân của CIC không phản ánh chính xác hoàn toàn khả năng tài chính của khách hàng”, TS. Hiếu giải thích.

Bên cạnh đó, hệ thống quản trị hành chính còn nhiều vướng mắc cũng gây khó khăn cho việc thu thập dữ liệu. Ví dụ như người đứng tên chủ hộ chi trả các hóa đơn điện, nước, phí trông xe…, – những thông in được CIC thu thập - và người trực tiếp sử dụng dịch vụ ở căn hộ đấy lại không phải là một.

Đây cũng là lý do mà các thông tin CIC ghi nhận vẫn có độ sai sót nhất định khiến việc thực hiện trách nhiệm cho vay của các công ty tài chính tưởng dễ mà hóa ra lại khó hơn rất nhiều.

Chính vì vậy, trong khi đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho thị trường tài chính tiêu dùng, các công ty tài chính đã chú trọng hơn đến các khâu thẩm định, ký kết hợp đồng, giải ngân, thu hồi nợ nhằm tránh các phát sinh trong quá trình thu hồi nợ từ phía khách hàng.