Cho trẻ em uống thuốc an thần, dán băng keo kín miệng để bí mật chạy trốn IS

ANTD.VN - Để trốn thoát an toàn khỏi sự tàn bạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, nhiều gia đình có con nhỏ tại Mosul, Iraq đã cho con uống thuốc an thần hay dán băng keo kín miệng đứa trẻ và âm thầm chạy trốn trong đêm tối.

Bà Hala Jaber, thành viên của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đã hé lộ những câu chuyện đau lòng mới nhất về cuộc sống của hàng nghìn người dân vẫn đang mắc kẹt trong cuộc chiến khốc liệt, giữa lực lượng chính phủ Iraq và tổ chức IS tại Mosul.

“Các gia đình thường bỏ trốn vào ban đêm hoặc lúc rạng sáng, họ phải đi bộ cùng con cái mình. Những đứa trẻ thường rất đói và mệt, nếu chúng khóc rất dễ bị các tay súng IS phát hiện”, bà Jaber nói.

Nhiều gia đình đã cho trẻ em uống thuốc ngủ, dán băng keo lên miệng để chạy trốn bí mật trong đêm tối, khỏi các khu vực do IS kiểm soát

Cho trẻ em uống thuốc an thần, dán băng keo kín miệng để bí mật chạy trốn IS ảnh 2

Họ không còn lựa chọn nào khác vì an toàn cho cả gia đình

Để chọn cách trốn thoát an toàn, nhiều gia đình đã cho con uống thuốc an thần, uống thuốc ngủ Valium hay thậm chí là dán băng keo kín miệng. “Họ làm như vậy để chạy trốn trong im lặng, phiến quân IS không thể tìm ra họ và nổ súng”.

Bà Jaber cũng nói thêm, rất nhiều thành viên của IOM cũng phát hiện nhiều cách giải quyết tương tự, từ các gia đình đang chạy trốn trong các khu vực khác do IS kiểm soát ở Iraq.

Amy Christian, người phát ngôn của tổ chức phi chính phủ Oxfam ở Irac cho biết, khi dân thường đã trốn thoát an toàn, họ luôn ở trong tình trạng “đói khát, mất nước và kiệt sức”. Christian cũng nhấn mạnh những tiết lộ nói rằng các gia đình cho con cái uống thuốc an thần để chúng không khóc khi chạy trốn là hoàn toàn có thật.

Nhiều gia đình đang nhận viện trợ trong Mosul

Trẻ em và phụ nữ là đối tượng bị ảnh hưởng rất nhiều trong chiến tranh

Một nhân chứng khác là Noor Muhammed cho biết, “Bố mẹ tôi đã cho các em uống thuốc an thần. Nhiều gia đình có con nhỏ khác cũng vậy. Chúng sẽ không khóc và chúng tôi không bị tìm ra trong đêm tối”.

Đối với các gia đình đang sống trong sự nguy hiểm kìm kẹp, có lẽ không còn sự lựa chọn nào khác đối với họ, bất chấp việc cho trẻ em uống thuốc ngủ, thuốc an thần có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Chính vì vậy, nhiều tổ chức cứu trợ và các nhóm chuyên gia đang cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em sau khi chúng thoát khỏi được các khu vực IS kiểm soát.

“Những thứ xung quanh mà nhiều đứa trẻ đang nhìn thấy và phải trải qua vượt quá khả năng của bất kỳ con người nào. Chúng phải chứng kiến cảnh hai bàn tay bị chặt đứt, chặt đầu, giết người. Rất nhiều đứa trẻ đã bị sốc, hoảng sợ vì điều đó”, bà Jaber nói.