Cho trẻ “ăn” thuốc phiện để… phòng tiêu chảy?

ANTĐ - Nhiều gia đình quan niệm rằng khi trẻ em mới sinh, nếu cho mút một chút thuốc phiện bé sẽ “chắc dạ”, ít bị các bệnh về đường ruột. Điều này vô cùng nguy hiểm vì có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Cách đây ít ngày, một bé gái 7 ngày tuổi ở Hà Nội đã phải nhập viện tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện tím tái, ngừng thở. Đáng nói là ở thời điểm bé lên cơn ngừng thở, qua khám lâm sàng các bác sĩ lại không phát hiện dấu hiệu bệnh lý gì. Sau khi bác sĩ hỏi người nhà bệnh nhi ở nhà có cho trẻ ăn, uống gì đặc biệt không thì người nhà cho biết bé được cho mút thuốc phiện nguyên chất để phòng các bệnh về đường ruột sau này. Các bác sĩ xác định nguyên nhân tình trạng tím tái, ngừng thở chính là do chất heroin trong thuốc phiện gây ức chế trung tâm điều khiển hô hấp làm trẻ ngừng thở. Bệnh nhi phải thở oxy và dùng thuốc kháng để “giải” ngộ độc thuốc phiện.

Trên thực tế nhiều gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn và miền núi, người dân vẫn còn lưu truyền tập quán dùng thuốc phiện để chữa một số bệnh, phổ biến nhất là các chứng đau bụng và tiêu chảy. Sự thiếu hiểu biết đầy đủ về vị thuốc này đã dẫn đến những tác hại rất nguy hiểm cho người bệnh, nhất là đối với trẻ nhỏ. Các bệnh viện đã từng phải tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi tương tự. Thậm chí có những bệnh nhi phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc thuốc phiện qua… sữa mẹ.

Cho trẻ “ăn” thuốc phiện để… phòng tiêu chảy? ảnh 1

Một bệnh nhi 20 ngày tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp. Sau khi thăm khám các bác sĩ cũng không phát hiện dấu hiệu bệnh lý. Chỉ khi hỏi người nhà bệnh nhân, mới xác định nguyên nhân do trước đó mẹ cháu đã uống thuốc phiện để chữa đau bụng, và ngay sau đó khi cháu bú sữa mẹ thì gặp tai biến trên. 

Theo ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), ca ngộ độc thuốc phiện do quan niệm dân gian sử dụng loại thuốc này để phòng các bệnh đường ruột cho trẻ như trường hợp trên không phải là cá biệt và bệnh viện đã phải tiếp nhận nhiều ca tương tự, tuy nhiên đây là trường hợp biểu hiện nặng nhất trong những ca đã từng vào khoa Nhi điều trị.

Các bác sĩ cũng thường xuyên nhận được câu hỏi tư vấn của người quen ở các vùng quê về việc sử dụng sái thuốc phiện, thuốc phiện để phòng bệnh đường ruột cho trẻ. Điều này là cực kỳ nguy hiểm. Như trường hợp bệnh nhi ở Hà Nội nêu trên, chỉ một lượng thuốc phiện rất nhỏ mà sau 1 tiếng trẻ đã tím tái, có cơn ngừng thở, nếu không được cấp cứu kịp thời, cơn ngừng thở kéo dài sẽ nguy kịch đến tính mạng trẻ. 

Theo các bác sĩ, việc dùng sái thuốc phiện, thuốc phiện trong điều trị tiêu chảy là chống chỉ định với cả trẻ em và người lớn. Vì thuốc phiện làm giảm nhu động ruột, khiến tình trạng đi ngoài đỡ hơn nhưng việc cầm đi ngoài này rất nguy hiểm. Vì khi đó các tác nhân gây tiêu chảy (như vi rút, vi khuẩn) không được đào thải ra ngoài mà tồn đọng trong đường ruột càng gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, thậm chí bị viêm ruột, gây biến chứng nguy hiểm.

Ngay cả trong điều trị tiêu chảy bằng thuốc tây y, các bậc phụ huynh cũng nên cẩn trọng không tùy ý sử dụng thuốc vì một số loại thuốc có nguồn gốc thuốc phiện, tác dụng làm liệt nhu động ruột, giảm số lần đi ngoài, chống chỉ định cho trẻ dưới 5 tuổi. Vì vậy, trước khi tính đến việc dùng thuốc, hãy nghĩ đến việc bù nước và chất điện giải bằng cách cho trẻ uống oresol. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện cần đưa trẻ đi khám để được kê thuốc phù hợp.