Cho thuê lại lao động: "Vá" lỗ hổng pháp luật, không để người lao động thiệt thòi

ANTD.VN - Trong quá trình hoạt động, nhiều doanh nghiệp lách luật bằng cách chuyển từ hình thức cho thuê sang cung cấp dịch vụ lao động nhằm trốn tránh các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động.

 

Dịch vụ cho thuê lại lao động đang tồn tại nhiều bất cập ảnh hưởng đến người lao động

Hoạt động cho thuê lại lao động có những tính chất rất đặc thù và được hiểu một cách khái quát là một doanh nghiệp tuyển dụng lao động vào công ty rồi ký hợp đồng lao động với người lao động, sau đó doanh nghiệp này lại ký hợp đồng cho công ty khác thuê lại lao động để sử dụng. 

Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH, cho thuê lại lao động là dịch vụ phổ biến mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, hoạt động này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cộng với nhu cầu lao động ngày càng cao đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động cho thuê lại lao động phát triển mạnh mẽ. 

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy 4 tỉnh có nhiều doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhất là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong cả nước.

Mặc dù loại hình dịch vụ cho thuê lại lao động đã tồn tại và phát triển suốt thời gian qua, nhưng hoạt động cho thuê lao động tại Việt Nam đang phát sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn, công tác quản lý gặp nhiều vướng mắc do quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong quy định của pháp luật chuyển từ hình thức cho thuê lao động sang cung cấp dịch vụ lao động, từ đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động chính đáng và trốn tránh các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Mặt khác, theo quy định của pháp luật để được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:  đã thực hiện ký quỹ 2 tỷ đồng;  bảo đảm mức vốn pháp định là 2 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động; có trụ sở ổn định trong thời hạn ít nhất từ hai năm trở lên; và  người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ ba năm trở lên.

Tuy nhiên, điều khoản kí quỹ 2 tỷ đồng chỉ phù hợp với những doanh nghiệp quy mô lớn, đối với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ điều khoản này lại trở thành một thách thức. Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp lách luật, hoạt động "chui", một là làm việc trực tiếp với đối tác cung ứng lao động và hưởng tiền phí môi giới lao động, hai là cho thuê nhưng với danh nghĩa là cung ứng, tuyển dụng giúp lao động giúp.

Việc lách luật có thể giúp doanh nghiệp phát triển nhưng lại khiến người lao động gặp nhiều rủi ro, không được pháp luật bảo vệ.

Theo các chuyên gia lao động, thực tế quy định của pháp luật trong dịch vụ cho thuê lại lao động đang nặng về điều kiện cấp phép mà chưa tính đến tác động của hoạt động này đến người lao động như thế nào.

Để dịch vụ cho thuê lại lao động phát triển minh bạch, cơ quan soạn thảo cần phải tháo gỡ những vướng mắc về điều kiện, đồng thời đưa ra những quy định ràng buộc rõ trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động. Có như vậy doanh nghiệp cho thuê lại lao động, doanh nghiệp thuê lao động, người lao động mới yên tâm tham gia vào hoạt động này.