Cho sinh viên thôi học giữa chừng: Việc đáng tiếc nhưng là bắt buộc

ANTD.VN - Hiện tượng sinh viên trúng tuyển vào những trường đại học hàng đầu nhưng lại “đứt gánh” giữa đường đang có nguy cơ lan rộng. Tình trạng này được hiểu như sự tự đào thải nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra.

Bạn Nguyễn Thị Hoài, sinh viên khoa Toán, ĐH Sư Phạm Hà Nội cho biết, khoa này có không ít trường hợp sinh viên bỏ học ngay sau năm thứ nhất. Tuy nhiên, điều đáng nói là có những sinh viên vẫn đeo bám đến năm thứ ba rồi mới bị đuổi học bởi tần suất vắng mặt trong các buổi học trên lớp ngày càng nhiều.

“Các bạn này lúc đầu thì chỉ nghỉ một vài buổi học rồi thì cứ tăng dần, có bạn cả năm học chỉ xuất hiện vài lần. Nhà trường đã thông báo vấn đề này của sinh viên về gia đình nhưng gia đình cho rằng con em mình vẫn đi học đều và nghĩ nhà trường… nhầm tên. Khi trường mời sinh viên đến làm việc, bạn này vẫn nói dối gia đình là trường gọi lên xác nhận nhầm tên bạn khác. Đến khi nhà trường có quyết định cho thôi học thì gia đình mới “ngã ngửa” vì hoàn toàn không biết?” - Nguyễn Thị Hoài cho biết.

Gia đình không hay biết

Hiện nay, xã hội có quá nhiều cám dỗ với sinh viên, nhất là sinh viên nội trú, xa gia đình. Tình trạng sinh viên nghiện game hay lao vào hoạt động kinh doanh đa cấp đã được cảnh báo tại nhiều trường đại học. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến sinh viên xao nhãng học tập, nghiên cứu và kết quả dẫn tới bỏ học giữa chừng mà gia đình không nắm được thông tin.

Thực tế này lại được cảnh tỉnh khi mới đây, 112 sinh viên hệ chính quy của ĐH Luật TP.HCM bị buộc thôi học kể từ học kỳ 1 năm học 2017-2018 do kết quả học tập kém. 

Thực hiện đúng theo quy chế đào tạo đại học chính quy, trường đại học trước khi đuổi học sẽ phải gửi cảnh báo 2 lần để sinh viên và gia đình nắm được và có những bước cố gắng thay đổi, cải thiện kết quả học tập. Tuy nhiên, đây chỉ có thể coi là các biện pháp hành chính. Làm thế nào để sinh viên không rơi vào tình trạng sa sút đến mức phải cảnh báo học vụ lại là vấn đề đáng bàn.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, việc sinh viên bị đuổi học là điều đau xót. “Ở ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nào cũng có sinh viên bị đuổi học. Đây là điều rất đau xót. Lý do chủ yếu là do các em mải chơi chứ không phải do chương trình học quá khó. Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào bị đuổi. Sở dĩ phải cho các em thôi học vì không thể dễ dãi trong việc đào tạo, nếu không về lâu dài, chất lượng sinh viên kém sẽ gây ra hậu quả cho chính cá nhân sinh viên cũng như ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường”, PGS.TS Trần Văn Tớp nói.

Hỗ trợ để sinh viên không “đứt gánh” 

Với điều kiện học tập trung ít do học theo tín chỉ, không ở nội trú ký túc xá mà chủ yếu thuê ở bên ngoài, việc quản lý, tiếp cận sinh viên đối với các giáo viên chủ nhiệm cùng các khoa công tác sinh viên hay đào tạo đều không dễ. Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ 

GD-ĐT, các trường đại học trong nước hầu như chưa có cố vấn học tập để định hướng cho bạn trẻ. Trong khi đó, từ lâu, các trường đại học nước ngoài đặc biệt quan tâm đến vấn đề cố vấn, hỗ trợ sinh viên chọn tín chỉ phù hợp năng lực của bản thân và chuyên ngành mình chọn.

Bà Phoenix Hồ, Quản lý bộ phận hỗ trợ và tư vấn hướng nghiệp ĐH RMIT cho biết, trường này đặc biệt đầu tư cho công tác tư vấn hướng nghiệp cho mọi đối tượng sinh viên. Riêng đối với sinh viên năm thứ nhất, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cùng những thay đổi về tâm lý khi mới bước vào môi trường đại học rất quan trọng để giúp sinh viên hòa nhập tốt với phương pháp học đại học và có thể chuyển hướng nếu thấy ngành đào tạo mình đăng ký không phù hợp và đúng như những gì bạn hình dung. 

Bà Phoenix Hồ cũng nhấn mạnh vai trò kết nối nhà trường và phụ huynh để giúp các gia đình có đầy đủ thông tin về con em mình thay vì chỉ làm việc với sinh viên bởi thực tế, tình trạng sinh viên đại học nhưng vẫn phụ thuộc vào gia đình là khá nhiều so với đối tượng có cách sống và học tập độc lập.

TS Phạm Thu Hương, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương: Không thể thả nổi sinh viên

“ĐH Ngoại thương có thuận lợi là sinh viên trúng tuyển có đầu vào cao. Phần lớn sinh viên phải nỗ lực và năng lực học tập tốt mới có thể trúng tuyển. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi có sinh viên tụt hậu so với yêu cầu đào tạo. 

Vì thế, nhà trường nhận thức rõ không thể thả nổi sinh viên mà bắt buộc phải có sự kết nối giữa gia đình, nhà trường. Có thể thấy, sinh viên hiện nay không phải ai cũng có tính tự lập cao, bởi vậy rất cần sự nắm bắt, hỗ trợ kịp thời từ nhà trường và gia đình. Mỗi năm, trường có 2 đợt rà soát kết quả học tập của sinh viên. Những trường hợp học tập sa sút, kết quả thấp lập tức sẽ được giáo viên chủ nhiệm, bộ phận quản lý sinh viên và phòng đào tạo phối hợp cùng tiếp cận, tìm hiểu nguyên nhân và liên hệ với gia đình sinh viên đó để cùng có biện pháp hỗ trợ thích hợp”.