Chợ sách đêm

ANTĐ - Hà Nội đang bước vào mùa giảm giá. Bắt đầu là xả hàng hè, nối qua tháng khuyến mại và kết thúc ở những đợt hội chợ cuối năm.

Từ nhiều năm nay tôi không còn háo hức với việc đi chọn hàng những dịp như thế này. Bởi, vài lần đã mất niềm tin về việc hàng cũ, xấu, mang danh khuyến khích người ta dùng hàng nội nhưng đa phần hàng Tàu kém chất lượng, hoặc những mặt hàng khá đơn điệu, khách xem nhiều hơn mua. Vậy mà, khi lên facebook thấy thông tin này, tôi lại thấy vui vui: Bắt đầu từ 5-11, tối thứ bảy hàng tuần, Hà Nội có Chợ sách đêm và ngày sách cuối tuần.

Đến thì thấy ngay một niềm thích thú xưa cũ như được đánh thức.

Cái “chợ” này nằm trong khuôn viên của số 4 phố Đinh Lễ, sát bên Hồ Gươm thơm ngạt với hương hoa sữa cuối mùa.

Sự thực thì hai con phố Đinh Lễ và Nguyễn Xí của Hà Nội từ nhiều năm nay đã là điểm hẹn của người yêu sách. Người ta mê đến đây vì mua sách ở đây đều được giảm giá, kể cả cuốn sách mới tinh vừa rời nhà in. Tuy nhiên, phố sách này mở cửa cả ngày và đã trở nên quá quen thuộc.

Để “thay đổi thực đơn” nhằm làm mới phố sách này, Trung tâm sách Hà Nội ở 4 Đinh Lễ đã khởi động chợ sách đêm. Ý tưởng đã nhen nhóm từ mùa hè vừa qua, nhưng thời tiết Hà Nội mưa nắng thất thường đã khiến những người thực hiện phải lùi lại tới cuối thu.

Trong khi rất nhiều mặt hàng khác người ta sợ lỗi thời, cũ kĩ thì riêng sách có lẽ nằm ngoài quy luật đó. Mặc dù, ngày nay ngành xuất bản trăm hoa đua nở, sách ngày càng được làm cầu kì, đẹp mắt, với mỗi đầu sách, độc giả đã có rất nhiều lựa chọn với các bản in khác nhau. Song, sách cũ nhiều khi vẫn có giá, thậm chí, càng cũ càng có giá. Vì thế, chợ sách vẫn có những đối tượng khách hàng, tầng lớp khách hàng riêng của mình, bất chấp sự báo động về văn hóa đọc đang xuống cấp. Cái thú vị ở đây là có những cuốn sách được giảm giá tới 70%, và người yêu sách có thể… bới tung tất cả các đống sách, kệ sách để tìm những cuốn mình cần. Các tựa sách thì khá đa dạng ở mọi đề tài, từ văn học kinh điển như "Tây Du Ký", "Tam Quốc diễn nghĩa", "Kim Bình Mai", “Quo Vadis”, "Cuốn theo chiều gió",… rồi những cuốn sách văn học Việt Nam của các nhà văn đương đại: Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân, Nhật Chiêu, Mạc Can…; cho tới truyện cổ tích, sách nấu ăn, những tập thơ tác giả tự in v.v… cũng đều phong phú, đáp ứng thị hiếu của từng đối tượng độc giả.

Thú vị hơn, có một số đầu sách mà độc giả khó kiếm ở các quầy sách ngoài phố Đinh Lễ cũng có thể thấy tìm thấy ở “chợ sách đêm” này, như bộ tiểu thuyết Việt Nam, truyện ngắn Việt Nam, cuốn các thư mục về Hà Nội… vốn nằm trong dự án sách 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - sách do Nhà nước đặt hàng không đề giá bìa - cũng có thể mua được tại đây. Cũng như bao nhiêu người Việt khác, tôi yêu quý "Truyện Kiều" từ nhỏ, cũng từng đọc nhiều bản "Truyện Kiều" khác nhau. Bất ngờ, chỉ ngay sau khi Hội Kiều học Việt Nam được thành lập, tại chợ sách này, tôi đã mua được cuốn "Truyện Kiều" in theo bản quốc ngữ từ năm 1936 do Ban vận động thành lập hội Kiều học thực hiện. Niềm vui mua được cuốn sách mình yêu thích cũng chẳng kém gì mua được một món đồ quý vậy.

Đến với chợ sách này tôi cũng như bao nhiêu người khác còn mừng vì một lẽ, sách bày bán ở đây đều là sách "thật", trong khi đi mua các nơi khác, nhiều khi nhập nhằng là "vớ" phải sách in lậu như chơi. Nhiều người "lí sự", sách thì can hệ gì đến thật giả, xấu một tí nhưng rẻ một tí, miễn là nội dung vẫn như vậy là được. Song, ở thời buổi này, độc giả hoàn toàn có quyền đòi hỏi sở hữu một cuốn sách là một sản phẩm văn hóa đích thực. Điều đó cũng góp phần để sách sống và phát triển một cách lành mạnh.

Nếu như ở các hiệu sách vỉa hè khác, thậm chí ngay cả những cửa hàng sách ở Đinh Lễ, bạn vừa phải xem sách vừa phải mắt trước mắt sau trông chừng chiếc xe còn dựng tạm đâu đó ở vỉa hè, lòng đường lo bị nhắc nhở thì ở chợ sách, ngoài không gian thoáng đãng để tự do chọn lựa sách, bạn còn có chỗ đỗ xe và người trông xe miễn phí. Nếu chồn chân đứng chọn sách, bạn có thể ghé vào góc, ngồi nhâm nhi một li cà phê với giá 12.000 đồng để nhìn và ngẫm nghĩ về một mạch ngầm văn hóa đọc, có thể bắt đầu hoặc nhân rộng từ những “phiên chợ” nhỏ xinh thế này.