Chờ rét

ANTĐ - Có ai lại chờ rét không nhỉ? 
Chờ rét  ảnh 1

Minh họa: Lê Anh Vân

Có đấy! Lúc này, người mong chờ rét nhất không phải ai khác, chính là  Hưng, người hàng xóm trẻ tuổi của tôi. Vâng! Hưng đã chờ, đã đợi, đã mong. Đã ngước lên trời cao thăm thẳm và lắng tai nghe từng động tĩnh trong bầu khí quyển rồi nhìn xuống vườn quất mà đợi mà chờ mà mong ngóng mà đoán chừng mà hy vọng. Ngày thì như thế, còn đêm thì Hưng thao thức chập chờn, hễ nghe thấy tiếng lá cây xào xạc là vội choàng ngay dậy, bước ra ngoài trời, giơ bàn tay ra để hứng sương để đón gió. Hai mươi tháng Chạp ta rồi. Còn mươi ngày nữa là Tết mà trời vẫn oi nồng, nóng bức là thế nào!

Thế đấy, đầu năm, vào Tết Nguyên tiêu, người ta còn đang nhộn nhịp với hội hè đình đám thì Hưng đã cặm cụi đào đất, xúc đất, đẩy xe phù sa từ bờ sông Hồng về, đổ vào vườn, rồi hì hà hì hụi ngày đêm san lấp, đánh luống, xẻ rãnh. Cây quất ưa đất lạ. Công việc tạo nền đất gồm nhiều công đoạn, thật vất vả! Nhưng, thế nào thì cũng phải kết thúc vào cuối tháng tư. Để tháng năm đi Văn Giang, mua cây giống về. Khâu đảo quất tốn sức lắm. Nhưng cũng chẳng bằng sự chăm chỉ cần mẫn trong mê man tưới tắm, chăm bón, trừ sâu bọ, tạo hình. Để bây giờ, khu vườn gần nghìn mét vuông đất của Hưng, san sát năm trăm cây quất, đứng theo hàng  theo luống ngay ngắn như hàng tiêu binh. Quất cũng như mọi loài cây khác. Nó sống nhờ đất đai. Nó tươi tốt nhờ thời tiết. Và bây giờ, hãy nhìn! Thì vẫn là quất đã kết quả đấy mà vẫn thấy thiếu thiếu cái sắc bóng bẩy, nhung tuyết của hoa quả, của mùa màng đúng tao tiết. Quất đang chờ rét để hoàn thiện sự viên mãn của mình!

 Quất đang chờ trời trở rét để hoàn thiện chu kỳ tuần hoàn của mình. Và Hưng thì nóng lòng nóng ruột có khi còn hơn cả quất.    

- Này, chú Hưng! Làm cái ông tướng gì mà hơn hai tuần lễ rồi cửa không qua nhà không lại là thế nào?

 - Chị Ngọc ơi! Em  đang  cùng quất chờ rét đây!

- Đang cùng quất chờ rét! Chuyện gì mà kỳ cục thế! Này! Anh Đàn chú cùng các đồng nghiệp ở Viện Triết mới đi điền dã Tây Bắc về. Anh Phủ chú vừa viết xong một trường ca cũng sắp đến uống rượu, bàn soạn việc đón Tết đấy. Để vườn quất đấy, xuống nhà anh chị ngay đi! 

- Thôi, em có xuống cũng không có lòng nào ngồi uống rượu và trò chuyện với các anh và chị đâu, chị ạ.

- Thế thì nghe các anh nói chuyện qua điện thoại vậy! 

                                      

*

Đúng là anh Đàn mới đi điền dã nghiên cứu đề tài Minh triết trong văn học dân gian các dân tộc ở Tây Bắc về và anh Phủ, nhà thơ đang ở đó uống rượu đón xuân thật. 

- Alố alồ. Em Hưng đây. Không xuống chơi với các anh và chị được. Em muốn  nghe các anh tiếp tục khuyên bảo đây! 

- Chú Hưng à. Anh Phủ đây. Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm. Trời êm biển lặng mới yên tấm lòng. Ấy thế! Anh mừng vì chú đã trở thành một người lao động thực thụ rồi! Còn đây là thơ của Khuất Nguyên nói về quất nhé.

- Anh đọc chầm chậm để em chép.

- Quất trời cưng a/ Đã quen thung thổ/ Sinh phương nam a/ Vững vàng không đổi/ Một tiết bền...

- Em cám ơn anh.  Em sẽ photocopy bài thơ của Khuất Nguyên treo vào tất cả các cây quất trong vườn. Bây giờ, em muốn nghe một lời khuyên của anh Đàn.

- Anh Đàn đây! Chú đã tu tỉnh làm ăn, đã bỏ qua những ngày lêu lổng, làm phiền lòng ba mẹ, các anh chị trong nhà. Và cả các chú công an nữa! Anh chỉ có một ý muốn nói với chú thôi.

- Em nghe.

- Anh biết, bây giờ chú đang rất mong rét về! Vậy, để cái rét mau về thì khắp bàn dân thiên hạ, nhất là các ông chủ vườn quất các chú, trên cơ sở tài đức của con người lao động chân chính, hãy bảo nhau đồng lòng biến thành Khổng Minh Gia Cát Lượng; nghĩa là mọi người phải lập đàn cầu trời trong lòng mình; trong lòng  mình, anh nhắc lại. Để làm gì? Để hô phong hoán vũ cho gió nổi lên! Chú có hiểu không? Là bởi vì, mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Là bởi vì theo kinh nghiệm và minh triết dân gian thì với người hiền đức chăm chỉ thật sự, Trời chẳng phụ đâu. Hà hà... Chú biết rồi đấy. Hoàng thiên vô thân. Duy đức thị phù. Nghĩa là, trời không thân ai, chỉ phù người có đức. Hà hà… Hãy nhớ nhé, Hưng! 

 *

Vậy là không nói ra, nhưng ít nhất thì  trước hết là Hưng, sau nữa là đám các ông chủ vườn quất, vườn đào ở ngoại vi thành phố bạn bè của Hưng, mấy ngày mấy đêm liền này, có anh nào mà không âm thầm mong mỏi biến thành Khổng Minh Gia Cát Lượng, lập đàn cầu trời trong lòng mình, mong gió mong rét về. Và không hiểu có phải, như anh Đàn nói, Trời chỉ giúp người có đức và hễ người lương thiện lòng thành cầu mong thì điều diệu kỳ sẽ đến không; đúng đêm hăm hai tháng Chạp, trước ngày ông Táo chầu Giời, thì trời chuyển gió thật.

Chà! Không rào đón gì hết, như đột ngột được tháo cũi sổ lồng, gió ập ngay về, đập soàn soạt vào cửa kính, quét lết thết trên mái bằng. Và rung ào ào lớp cây cổ thụ quanh nhà. Nhiệt độ như có bước sụt hẫng, tụt xuống một cái hố sâu thẳm. Thoắt cái xung quanh đã lạnh băng! Sớm mai trở dậy, sững lại trước vườn quất, Hưng còn sửng sốt hơn, vì thấy mình như đang ở giữa cơn chiêm bao. Trong màn sương mây đang quẩn đặc như khói, mấy trăm cây quất lờ mờ ẩn hiện, nhưng chẳng chút co ro e sợ, mà phởn phơ, tươi tốt, hớn hở lạ thường.

Trời đã trở lạnh, đã đúng tao tiết, lề luật rồi! Đất nước mình tuyệt diệu từ cảnh quan đến thời tiết là thế! Ngước lên trời, để mặc những hạt sương li ti xám trắng lấp lánh lửng lơ đậu nhè nhẹ xuống mặt mình, Hưng cảm động đến ứa nước mắt. Công sức của Hưng, cơn tỉnh thức của Hưng, nội lực của Hưng không đơn độc. Nó đã được sự trợ giúp hài hoà của các anh chị, của ngoại lực, của thiên nhiên, của ông Trời.

Ôi! Kể sao cho hết bao vất vả lo toan của Hưng kể từ khi Hưng đổ xe đất phù sa đầu tiên lên mảnh vườn xưa cũ; kể từ lúc đánh rãnh, lên luống đến lúc đảo cây, chăm bón. Tiếng thế chăm nom cây quất cũng diệu vợi lắm. Bón cho nó phải là hạt đậu tương luộc lên, xay nát ra, ngâm ủ thật kỹ càng kia. Bón lót thì đã đành. Còn bón nhử nó nhất thiết phải bằng nước đậu pha loãng. Còn như bón thúc để nó dưỡng rễ, lập quả không rụng thì lại phải theo một công thức riêng. Chăm quất như chăm trẻ nhỏ, không đại trà được. Cây nào yếu quá phải cho nó ăn thêm bằng B1 viên rải quanh gốc. Tháng tám, khi màu lá chuyển sang xanh sẫm là lúc phải bấm nuôi lộc, đồng thời phải lo trừ sâu bọ. Sâu vẽ bùa, sâu đốm lá... thuốc nào trừ loại sâu ấy, không thể sai sót. Cây vào chu trình kết quả là lúc gần như cả ngày chài chãi ở ngoài vườn,  lo tỉa quả, phân quả sao cho quả rải đều, tránh chỗ mau chỗ khuyết. Gò cây tạo hình mới vất. Mỗi cây một dáng, một hình. Có cây gò cả một ngày cặm cụi còn chưa xong.

 Chao ôi! Giờ thì cả vườn quất, nơi Hưng đã trút vào đó tất cả lo âu, nỗ lực, khát vọng và nghị lực của cơn thức ngộ, gặp tiết trời thuận, như cây cối nghe lời hối thúc của mùa màng, như được hưởng phép lạ, ngùn ngụt như những ngọn lửa bốc cao, bóng bẩy, xanh om. Cây hình tháp, cây dáng tròn, cây cỡ đại, cây tầm trung, thế phụ tử, thế song thụ, thế thất hiền, thế thác đổ, thế rồng bay. Cây nào cây nấy đều một vóc hình  đầy đặn thịnh đạt và mởn mơ. Cây nào cây nấy lá cũng mướt xanh, cũng lấm tấm trắng ngần hoa nở, cũng quả chen chúc quả,  thảy đều nây tròn, vàng sẫm, tươi màu. Cây nào cây nấy cũng được đính trên ngực một tấm bìa chép bài thơ của Khuất Nguyên.

Vườn quất, miền thiên nhân hợp nhất! Vườn quất, miền quả vàng! Vườn quất, vật phân thân của Hưng. Nơi Hưng quyết định định nghĩa lại con người mình. Nơi Hưng lập thân, lập nghiệp. Nơi tạo nên phẩm hạnh con người thực thụ của Hưng. Ăn một quả trả một cục vàng. Vườn quất, món nợ ân nghĩa Hưng đem trả lại cho cuộc đời.


 *

Cuối cùng là chiều hôm hăm tám Tết, có một chiếc xích lô từ ngoài phố đỗ lại trước vườn quất của Hưng.  Anh đạp xích lô nhảy xuống, dáng chừng là bạn quen thân, nhìn cây quất Hưng mới đánh ra, reo to: Chiến hữu có cây quất gì mà chúa thằn lằn vậy? Hưng cười: Cây này thế rồng bay. Các cây khác  cũng đẹp không kém đâu. Nào, giúp  người anh em chuyển đến địa điểm đã dặn nhé!

 Anh xích lô gật đầu: Ăn ở thế là phải đạo đấy. Ông Nguyễn Trãi nói: Trong sấm sét có gia ân  mà. Cảm ơn nhé. Vì đây cũng là  một cách để lão gia đây bày tỏ lòng tri ân của mình, ông bạn vàng à.

Chiếc xích lô chở cây quất lớn có cành lá rùm ròa thế rồng bay đi, và sau đó cũng là những cây quất tiếp theo nữa, mang theo những câu chuyện còn đang ở trong trạng thái tù mù.

Nhưng cây quất này được chuyển đến đâu? Thì ra, Hưng nhờ anh xích lô đem cây quất nọ đến biếu trước hết là các anh chị ruột, những cây quất tiếp theo là đến các thầy giáo cô giáo dạy dỗ Hưng, các bạn bè và cuối cùng là mấy anh chiến sĩ công an phường, những người đã vất vả với Hưng. Nhiều lắm! Có đến mấy chục con người. Cách đây hai năm, Hưng là một thiếu niên hư hỏng. Hưng đua đòi ăn chơi, chỉ suýt nữa thì rơi vào vòng lao lý. Cả anh chàng đạp xích lô kia cũng thế. 

MVK- 2014