Chợ quê

ANTĐ - “Nằm gọn giữa khúc quanh của con sông là một bãi bồi khá rộng. Người xưa thương đất nên trồng tre xung quanh để giữ đê, giữ làng. Nhiều năm trôi qua, bãi bồi ngày càng thêm cao và những con thuyền chở khách qua sông liền chọn đó làm nơi cập bến. Người qua kẻ lại tấp nập. Những quán lá mọc lên dọc lối đi. Hàng xén kẻ ngồi người đứng lô nhô chờ khách. Tiếng rao lanh lảnh, tiếng xì xào mua bán làm náo động cả một khúc sông... Lâu dần thành chợ”. Đó là lời mà  ngày bé tôi thường được nghe mỗi lần theo bà xuống chợ.

Tôi vẫn nhớ như in tấm lưng khòng của bà mỗi lần gánh hàng ra chợ. Khi thì vài nải chuối, ít khoai lang, lúc mớ rau, mớ cá.  Chằng nhiều nhặn gì, để lại cả nhà tôi ăn rốn vài bữa cũng hết nhưng bà vẫn cứ mang đi bán. Bà bảo nó đem lại cho bà niềm vui khi được chăm sóc gia đình. Tiền bán được bà đem mua mấy thứ linh tinh lặt vặt mà tôi chẳng bao giờ quan tâm. Điều làm tôi thích thú nhất chính là chiếc bánh đa giòn căng thơm lừng hay cái bánh rán mật ngọt lịm bà sẽ mua cho tôi trước lúc ra về. Bà thường bảo đó là quà cho tôi vì nhờ tôi mà quán hàng của bà bán chạy hơn. 

Tôi thích theo bà đi chợ nhất vì bà chọn hàng rất lâu. Không như mẹ tôi, thường qua quýt cho nhanh để còn về đi làm đồng. Chợ phiên mỗi tháng vài lần nên bà ngắm nghía rất kĩ và mặc cả tỉ mỉ lắm. Thời gian đó tôi tha hồ chạy lăng xăng khắp chợ để đùa nghịch. Ngôi chợ đơn sơ như chính cuộc sống bình dị của những người nông dân quê kệch. Tôi chạy một hơi là đã quay lại chỗ cũ. Loanh quanh cũng chỉ mấy hàng cua cá, hàng vàng hương, hàng rau quả, hàng bún bánh, cuốc xẻng… bày ngổn ngang trên những xạp tre, thúng mẹt. Có lẽ đông đúc nhất là mấy sạp quần áo, giày dép đủ màu sắc của các cô, các bà bên thị trấn mang sang. Người lớn trẻ con vây kín, người ngắm ngía, người lựa chọn làm huyên náo cả góc chợ. Tôi biết bà sẽ chẳng bao giờ mua cho tôi những thứ màu mè “xa xỉ” ấy, nên mặc dù thích lắm nhưng tôi chỉ nán lại nhìn một lúc rồi đi ngay, tiếp tục cuộc khám phá đầy thú vị của mình. 

Bà tìm thấy tôi khi tôi đang mơ màng nhìn theo những chuyến đò sang bên kia sông. Khúc sông hun hút một một màu trắng nhờ nhờ của sương, của nắng và của sóng nước. Dòng sông nước siết quanh co bồi đắp lên bãi bờ xanh tốt nhưng cũng ngăn cách quê tôi với cuộc sống ở bờ bên kia. Những người trên đò ăn mặc có vẻ rất tươm tất. Hàng hóa họ mang theo cũng màu mè và đắt tiền hơn. Bà bảo đó là những người sống bên thị trấn. Họ sung túc nhưng vẫn về chợ quê tôi buôn bán vì đồ quê rẻ mà lại ngon hơn. Họ cũng mang những món hàng hiện đại sang bán vì người quê hiếu kỳ và ngày càng biết hưởng thụ. Dọc đường về, tôi cứ miên man nghĩ về cuộc sống ở bên kia sông, những ngôi nhà mái bằng, những chiếc ti vi, những chiếc xe “bình bịch”… Nó khác hẳn với những gì trong cuộc sống của tôi hiện nay. 

Lâu dần thành quen, tôi nghiện xuống chợ như trẻ con nghiện kẹo mút. Nhưng trong tâm thức của tôi ngày ấy, xuống chợ không chỉ đơn thuần là để được ăn những chiếc bánh đa, bánh rán nóng hổi. Có lẽ tôi thích xuống chợ cũng chỉ để được ngắm cho no mắt những món hàng mà tôi luôn ao ước nhưng không thể có được, để tạm quên đi cái xóm núi heo hút suốt ngày vang tiếng gà cục tác và tiếng lợn đòi ăn. Tôi muốn được hòa vào cái cuộc sống ồn ã, náo nhiệt đầy ắp những tiếng cười nói. Và đôi khi là để xem lão què trông chợ nặn đất cho trẻ con hay bà điên vừa kéo cạp quần vừa chửi đổng trước cổng. Hoặc đơn giản là để nhìn sang bên kia sông và mơ màng về một cuộc sống khác phồn thịnh hơn.

Nhưng cũng đã có khi tôi thấy ghét những phiên chợ quê. Đó là khi tôi chuyển lên học trường cấp ba trên huyện. Cái tự ti của một đứa nhà quê và một chút hãnh tiến của kẻ có chữ đã phá tan trong tôi những điều tốt đẹp về những phiên chợ quê. Đường duy nhất có thể tới trường là qua bến đò, và tất nhiên phải đi qua một góc chợ. Tôi thấy ớn mùi mỡ rán cháy khét pha mùi tanh lợm của cua cá. Có khi chúng quẩn theo tâm trí tôi đến trường và bỗng nhiên xuất hiện khi tiếng thét của cô bạn ngồi cạnh vang lên: “Trên áo ấy có vảy cá kìa!”. Tôi ngượng ngùng vì sự quê kệch của mình. Tôi thấy ghét những tiếng mời mọc suồng sã hay tiếng cò kè, cãi cọ, văng tục cứ vang lên lảnh lót lẫn trong tiếng cười nói ồn ã. Những bộ quần áo lấm lem, những khuôn mặt ngơ ngác, những dáng ngồi thất thểu, những ánh mắt đục mờ mỏi mệt phảng phát những tia hy vọng mong manh. Chúng làm tôi thấy chán nản vô cùng. Tôi thường lao thật nhanh qua chợ để tránh mặt những người thân hay sơ cái mùi khó chịu sẽ ám vào bộ quần áo đẹp đẽ của tôi. Và hằn sâu trong nỗi ân hận của tôi là ánh mắt buồn của mẹ và cái nhìn ngơ ngác của chị gái khi tôi vội vã lướt qua họ như chưa từng quen biết. 

Năm tôi thi đại học, cuộc sống của gia đình tôi trở nên chật vật vô cùng. Đôi vai mẹ oằn hơn mỗi lần gánh hàng ra chợ. Đôi tay cha phồng rộp mỗi lần đi làm đồng về. Còn tôi thì thu mình trong cái thế giới nhỏ bé, ích kỉ để vun vén cho cái tương lai đẹp đẽ của mình. Để rồi chợt thấy lòng xót xa những khi chở củi giúp mẹ xuống chợ bán. Chợ quê tôi vẫn nghèo lắm, suồng sã lắm. Và mẹ tôi cũng là một phần trong đó. Mẹ vừa đon đả bán hàng vừa tíu tít khoe về đứa con mới đỗ đại học với số điểm cao nhất khóa. Ánh mắt mẹ rạng rỡ trong nắng sớm mênh mang. 

Cuộc sống ngày một đổi thay. Một cây cầu vững chãi mọc lên thay thế cho bến đò ngang năm nào. Đường lên huyện giờ dễ dàng hơn và những ngôi chợ khang trang cũng mọc lên nhiều hơn bên kia sông. Nhưng bãi chợ quê xưa cũ vẫn còn đó, vẫn rộn rã tiếng người cười nói mỗi khi nắng sớm hay chiều về. Những hàng cột gỗ đơn sơ, những mái rơm mộc mạc rêu mốc vẫn rung lên mỗi khi gió ngoài sông thổi vào mà kiên gan với nếp sống xưa cũ. Thấp thoáng bóng những bà, những mẹ, những chị tất tả đi về dưới những khóm tre xạc xào mùa thay lá. Và tiếng trẻ thơ vẫn vang lên ríu rít mỗi buổi chiều đón mẹ về.

Còn tôi, gã trai năm nào giờ đã yên bề gia thất ở nơi phố thị đông đúc vẫn có khi thấy nhớ một phiên chợ quê nghèo mà gần gũi, nhớ những nụ cười hồn hậu còn phảng phất  mùi bánh đa nướng thơm lừng. Để rồi những chiều ngơ ngẩn nơi bến sông quê, lặng ngắm nhưng mái rạ liêu xiêu và nghe những âm thanh thôn dã ấy, chợt thấy lòng dịu vợi trước những lo toan bộn bề thường nhật. Và khi bước chân về con đường xưa cũ, bỗng chạnh lòng, thổn thức trước một dáng hình quen thuộc xa xăm đi về trên triền đê lộng gió. Giật mình, tôi gọi…! Tiếng gọi chới với vừa cất lên bỗng tan theo những cơn gió chiều hối hả. Có phải là dáng mẹ, dáng chị tôi năm nào đã tảo tần hôm sớm để tôi có được như ngày hôm nay?