Cho nhà “đeo ba lô” có vi phạm pháp luật?

(ANTĐ) - Hỏi: Nhà chung cư nơi tôi đang sinh sống, có ông A ở tầng 3 làm đua ra bên ngoài diện tích của phần nhà khoảng 1m50 (gọi là “đeo ba lô” cho ngôi nhà). Việc làm này có thể gọi là xây dựng trái phép được không? Tôi là người ở tầng dưới góp ý không được vì họ cho rằng không lấn đất của hàng xóm. Tôi xin hỏi việc làm của ông A có đúng luật hay không? Tôi phải làm gì để ngăn chặn việc này?

Cho nhà “đeo ba lô” có vi phạm pháp luật?

(ANTĐ) - Hỏi: Nhà chung cư nơi tôi đang sinh sống, có ông A ở tầng 3 làm đua ra bên ngoài diện tích của phần nhà khoảng 1m50 (gọi là “đeo ba lô” cho ngôi nhà). Việc làm này có thể gọi là xây dựng trái phép được không? Tôi là người ở tầng dưới góp ý không được vì họ cho rằng không lấn đất của hàng xóm. Tôi xin hỏi việc làm của ông A có đúng luật hay không? Tôi phải làm gì để ngăn chặn việc này?

Trần Văn Toàn

(Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng)

Trả lời: Căn cứ theo điều 70, 78 của Luật Nhà ở thì phần chung của ngôi nhà chung cư gồm hệ thống kết cấu chịu lực như khung, cột, tường chịu lực. Luật Nhà ở cũng có quy định chủ sở hữu nhà có quyền bảo trì, cải tạo nhà nhưng việc bảo trì, cải tạo trong trường hợp sửa chữa lớn hoặc cải tạo nhà ở theo quy định  phải có giấy phép xây dựng.

Cùng với Luật Nhà ở thì tại Điều 62 Luật Xây dựng cũng có quy định trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng, chỉ những công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình mới không phải xin giấy phép.

Việc ông A cho nhà “đeo ba lô” không được cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng, việc làm này đã làm ảnh hưởng đến phần chịu lực, mất cân đối chịu lực, mất thẩm mỹ của ngôi nhà, do đó cần áp dụng Điều 5 Nghị định 180/2007NĐ-CP để xử lý vi phạm trong xây dựng không phép.

Mặt khác hành vi của ông A phải xác định là lấn phần trên không của đất công vì phần đất phía dưới là đất công và như vậy phần trên không theo phương thẳng đứng từ dưới lên cũng thuộc phần không gian công cộng không ai có quyền chiếm hữu cho riêng mình (theo Luật Dân sự, điều 265).

Với việc làm sai của ông A gây nguy hiểm, làm giảm tuổi thọ cho ngôi nhà, nếu tham gia góp ý yêu cầu ông A dỡ bỏ nếu không lắng nghe hàng xóm, ông cần báo ngay cho thanh tra xây dựng phường để yêu cầu dỡ bỏ việc xây dựng trái phép.

Luật sư Trương Văn An

(VP Luật sư Phúc Thọ, 23 Hồ Đắc Di -
Nam Đồng - Đống Đa - Hà Nội)