Cho mang thai hộ, khó quản lý đẻ thuê

ANTĐ - Nhằm tạo cơ hội cho những cặp vợ chồng không thể sinh con, Bộ Tư pháp đã đưa nội dung mang thai hộ vào Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi). Nếu được Quốc hội thông qua thì đây thực sự là cơ hội “vàng” cho không ít người hiếm muộn. 

Không “quan hệ” vẫn đẻ như thường

Theo Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), đối tượng được nhờ người khác mang thai hộ phải là những phụ nữ do mắc bệnh lý hoặc dị tật bẩm sinh, bệnh phụ khoa... rất muốn có con để đảm bảo hạnh phúc gia đình, nhưng lại không có khả năng mang thai. Và điều kiện tiên quyết của những người này phải là người có noãn để thụ tinh được, chứ không phải xin noãn người khác. 

Với tinh thần trên thì định nghĩa mang thai hộ tại Dự thảo là việc sử dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật lấy noãn và trứng của người mẹ và tinh trùng của người bố để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó chuyển phôi đó vào trong tử cung của người phụ nữ thứ ba để người này mang thai và sinh con. “Việc mang thai hộ không áp dụng trong trường hợp sử dụng noãn của người mang thai hộ kết hợp với tinh trùng của người bố. Vì nếu lấy noãn của người mang thai hộ để thụ tinh thì sẽ liên quan đến yếu tố sinh học, di truyền. Do đó, việc người chồng quan hệ trực tiếp với người mang thai hộ là hoàn toàn bị cấm” – ông Dương Đăng Huệ, Vụ Trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (Bộ Tư pháp) khẳng định. Cũng theo ông Huệ, đứa trẻ ra đời từ người mang thai hộ sẽ mang gene di truyền của người phụ nữ có noãn, chắc chắn không bị tác động di truyền của người mang thai hộ. 

Về ý kiến cho rằng chỉ những người thân thích, họ hàng mới được phép mang thai hộ, ông Dương Đăng Huệ khẳng định người mang thai hộ không nhất thiết phải là họ hàng, cùng huyết thống... mà có thể là bạn bè thân thích. Mặc dù vậy, dự luật nhấn mạnh yếu tố thân thích giữa những cặp vợ chồng mong muốn có con và người mang thai hộ. Mục đích là nhằm loại bỏ tính vụ lợi trong nội dung đầy tính nhân văn này.

Kiểm soát việc đẻ thuê ra sao?

Nói thêm về điều kiện trong mối quan hệ mang thai hộ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - kinh tế cho rằng mặc dù loại bỏ yếu tố vụ lợi, song những người nhờ mang thai hộ nhất thiết phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ về vật chất ở mức cần thiết đối với người mang thai hộ cũng như sự phát triển bình thường của thai nhi. Đó là phải đảm bảo việc ăn, ở, chế độ dinh dưỡng, khám sức khoẻ, sữa... cho người mang thai hộ như những trường hợp thai nghén khác. Về phía bên kia, người mang thai hộ cũng không được phép đòi hỏi vật chất vượt quá mức bình thường.

Xoay quanh vấn đề mang thai hộ và đẻ thuê, ông Huệ chia sẻ thêm hiện trên thế giới một số nước đã áp dụng chính sách mang thai hộ từ khá lâu, thậm chí có quốc gia còn chấp nhận hoạt động đẻ thuê. Ở đó, việc đẻ thuê được ký hợp đồng và được ràng buộc với những điều khoản rất cụ thể. Thế nhưng ở Việt Nam thì sẽ không có chuyện này. Chúng ta chỉ đặt vấn đề mang thai hộ không gì khác ngoài mục đích nhân đạo, nhân văn và để tạo cơ hội cho những cặp vợ chồng không thể tự “đảm đương” được hết quá trình thụ thai, sinh nở. Nhằm loại trừ việc đẻ thuê, ông Huệ khẳng định dự thảo luật đã quy định rất chặt chẽ. Đối với những người có sức khỏe bình thường hay ca sĩ, người mẫu hoặc người giàu không muốn mang thai thì không được phép nhờ người khác mang thai hộ. Khi nhờ mang thai hộ, cặp vợ chồng mong muốn có con và cả người mang thai hộ sẽ phải trải qua đợt kiểm tra, đánh giá của hội đồng y khoa và đôi bên phải tự nguyện cam kết dựa trên quy định của pháp luật.

Mặc dù vấn đề mang thai hộ đã được Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình đề cập khá chi tiết, cụ thể với những điều kiện chặt chẽ, song luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng tới đây nếu nội dung này được thông qua thì các văn bản dưới luật cần phải thể chế hóa cụ thể hơn nữa. Bởi lẽ ranh giới giữa việc mang thai hộ và đẻ thuê đôi khi rất mong manh. Ngoài việc kiểm tra, đánh giá của hội đồng y khoa thì còn có cơ quan nào giám sát hoạt động này nữa và trong trường hợp nảy sinh hiện tượng đẻ thuê thì phải xử lý ra sao, mức độ xử lý như thế nào, hành chính hay hình sự?

Hiện ở Việt Nam có khoảng 15% các cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh vì nhiều lý do khác nhau, và không phải trường hợp nào cũng có thể can thiệp được bằng y học. Chính vì vậy, dù pháp luật đã cấm hành vi mang thai hộ, đẻ thuê nhưng trong thực tế, niềm khao khát được làm cha, làm mẹ vẫn khiến nhiều người tìm mọi cách để đạt được nguyện vọng ấy. Theo Nghị định 96/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh (có hiệu lực từ ngày 15-12-2011), hành vi mang thai hộ có thể bị phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.