"Chợ mạng" phát triển, công chức tranh thủ giờ làm bán hàng online

ANTD.VN - Công nghệ hiện đại và sự phát triển của các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook đã giúp con người tiếp cận hàng hoá theo một cách hoàn toàn khác: xem hàng bằng hình ảnh và thanh toán chuyển khoản để mua. 

Shop Hàng Nhật Nội Địa của Trịnh Ngọc

Sự tiện lợi công nghệ đem lại cho cả người mua và người bán là không thể chối bỏ, nó biến bất cứ ai trong chúng ta thành người mua hoặc người bán ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, sự “bất tiện” lại đến với công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, cũng như công tác quản lý cán bộ khi người bán hàng trên Facebook là công chức nhà nước.

Công sở thành cái chợ

Quả là tiện lợi và hấp dẫn khi ngay trong giờ làm việc của một cơ quan hành chính nhà nước nào đó, cán bộ có thể vào Facebook và chọn cho mình món hàng ưa thích. Tất tần tật mọi sản phẩm trong sinh hoạt thường ngày đều có thể mua qua Facebook từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, quần áo... Nó còn hiệu quả và cuốn hút hơn là mua hàng qua các trang mạng điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý, nơi ít ra Bộ Công Thương có thể kiểm soát nguồn hàng, chất lượng và giao dịch.

Facebook sáng tạo ra một nút chức năng làm biến đổi hoàn toàn đời sống mua sắm của các “tín đồ”: Nút Tạo Trang. Ở đó người bán có thể tạo ra gian hàng của mình dưới dạng là cửa hàng mua bán, công ty thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu... và chọn cho mình bất cứ loại sản phẩm nào mà mình có nguồn nhập rồi bán ra, ăn chênh lệch.

Người ta lăn xả tìm nguồn hàng rẻ, “luộc nấu” khắp nơi, hạ giá thấp nhất để có thể bán hàng vì bán kiểu này không tốn sức lực. Vận chuyển đã có công ty chuyên “ship” hàng đảm nhiệm và cũng không mất công kiểm tiền khi mọi thứ được chuyển khoản hoặc công ty nhận chuyển hàng thu hộ. Điều mất duy nhất có lẽ là sự chuyên tâm với công việc chính mà nhà nước lấy ngân sách trả lương cho họ.

Anh Giang, cán bộ cơ quan hành chính sự nghiệp tại Hà Nội cho biết, anh đến với phương thức bán hàng qua Facebook hơn một năm nay. Mặt hàng anh chọn bán là đồng hồ thời trang nam. Hiệu quả quá sức tưởng tượng khi thu nhập từ bán hàng đem lại cho anh khoản lợi nhuận gấp 3 lần mức lương công chức.

Trên Facebook cá nhân, anh Giang tạo một trang dạng cửa hàng để bán đồng hồ. Với vốn đầu tư ban đầu vay mượn bạn bè khoảng 200 triệu đồng, Giang kết nối với một số người có khả năng mua hàng qua các trang mạng thương mại của Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc. Sau đó, Giang dành khá nhiều thời gian trên các trang chuyên bán đồng hồ như: jomashop.com; ashford.com; gemnation.com; certifiedwatchstore.com; amazon.com... để tìm kiếm các loại đồng hồ đang bán hạ giá (trong giới gọi là “săn sale”).

Chọn được chiếc nào ưng ý, chỉ cần copy đường link gửi đến Facebook của người mua hàng hộ, sau đó chuyển tiền qua tài khoản là có thể yên tâm trong thời gian 3 tuần chiếc đồng hồ từ Mỹ sẽ về tay mình. Mỗi chiếc đồng hồ, trừ đi khoản phí mua hộ, Giang vẫn lãi 2-3 triệu đồng.

Hay như Trịnh Ngọc cùng cơ quan với Giang cũng tìm cho mình một hướng đi riêng. Ngọc mở shop Hàng Nhật Nội Địa trên Facebook, chuyên cung cấp nồi cơm điện, máy lọc không khí của các hãng Toshiba, Hitachi, Tiger... đã qua sử dụng, không rõ bằng con đường nào nhập về Việt Nam, được tiêu thụ số lượng khá lớn.

Còn Mỹ Duyên thì chọn mặt hàng phù hợp với phái nữ - bán buôn và phân phối mỹ phẩm nhãn hiệu Calla. Loại nhãn hiệu chưa thấy có mặt trên các cửa hàng bán và giới thiệu mỹ phẩm nhưng bán khá chạy trên Facebook vì giá thành rẻ cộng với phương thức len lỏi, chăm sóc đến từng khách hàng, sẵn sàng chấp nhận bất kỳ khách hàng nào trở thành đại lý với chiết khấu rất cao.

Ăn lương để “chăm sóc khách hàng”

Trần Hà, một cán bộ hợp đồng của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội dành cả thời gian nghỉ trưa ở cơ quan để lách cách gõ bàn phím chăm sóc cho gian hàng chuyên đồ cho bà bầu của mình. Hà ham công việc kinh doanh hơn công việc của cơ quan. Tuy vậy, Hà cho rằng điều đó không thành vấn đề vì có thể giấu giếm và tranh thủ lúc nào lãnh đạo cơ quan xao nhãng là “inbox” với khách ngay. Lương nhà nước thì vẫn hưởng còn tiền lãi từ hoạt động kinh doanh giải quyết được bao nhiêu vấn đề khác trong cuộc sống.

Tất cả các hoạt động kinh doanh của những “thương nhân” này đều diễn ra ngay trong giờ hành chính. Nó không lộ liễu, công khai. Ai mà biết được vì họ chỉ cần nhìn vào cái màn hình 5,5 inch, tay bấm vài thao tác thế là hàng đã đi và tiền đã về tài khoản. Đôi lúc để kịp giao cho khách, họ mang hàng lên cơ quan và thế là tủ tài liệu trở thành “kho” hàng đúng nghĩa.

Cuộc sống vẫn nảy sinh nhiều nhu cầu và cái chợ nơi công sở ấy vẫn giải quyết không ít khó khăn đời sống cán bộ công chức. Song điều đáng nói là chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng một người có thể cùng song song hai hoạt động mà đều đem lại hiệu quả cao.

Thất thoát nguồn thu ngân sách

Không phải ngẫu nhiên Tổng cục Thuế Việt Nam đặt ra vấn đề thu thuế từ hoạt động kinh doanh qua Facebook. Theo nghiên cứu của cơ quan này, chỉ riêng Hà Nội có khoảng 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng. Và tương ứng với số lượng như vậy là hàng trăm tỉ đồng tiền doanh thu nhưng ngành thuế không thu được một đồng nào.

Cũng có những “rục rịch” khi Cục thuế Hà Nội ban hành một số quy định về thuế thu nhập của cá nhân kinh doanh qua Facebook như: Cá nhân, tổ chức kinh doanh qua mạng chỉ nộp thuế nếu có doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng và các loại thuế, phí phải nộp gồm: Lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân (và thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… nếu có). Tất cả quy định này thực thi dựa trên tinh thần tự nguyện của người kinh doanh kiểu như: Anh kinh doanh thì anh phải có lòng tự trọng mà đóng góp cho ngành thuế.

 Cơ quan thuế cũng đưa ra một số biện pháp để đảm bảo thu được thuế của người kinh doanh như khoá tài khoản Facebook; áp dụng chế tài phạt đối với những người không kê khai và đóng thuế.... Nhưng xem ra những biện pháp này chưa đủ mạnh để người kinh doanh “tự nguyện” nộp thuế.

 Thu thuế của người kinh doanh qua Facebook còn “lùng nhùng” là vì chưa có quy định rõ ràng nào yêu cầu người kinh doanh bằng hình thức này phải đăng ký hoạt động với cơ quan quản lý. Kinh doanh qua Facebook không đơn giản là chỉ liên quan đến ngành thuế mà nó còn liên quan đến nhiều bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông. Và xét về chủ thể kinh doanh là công chức, nó còn liên quan đến công tác quản lý cán bộ của ngành Nội vụ.