“Chờ Lê Hùng điên, còn lâu lắm!”

ANTĐ - Cùng một lúc tại Hà Nội, NSND Lê Hùng dựng 2 vở “Báo hiếu” và “Lời nguyền” cho Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam nhưng cũng khoảng thời gian ấy, ông làm 7 chương trình nghệ thuật cho các tỉnh. Với một người bình thường, thử hỏi lấy đâu ra sức lực để làm việc như vậy, nhưng với NSND Lê Hùng, ông vẫn “chạy tốt” trong từng ấy năm…

Vở kịch “Mỹ nhân và anh hùng” do NSND Lê Hùng đạo diễn đoạt Huy chương Vàng 

tại Hội diễn sân khấu kịch nói chuyên nghiệp năm 2009

- PV: Nhiều người bảo Lê Hùng tham, một hội diễn sân khấu ôm trọn 7 vở trong tổng số 15 vở. Ông có ý kiến gì về điều này? 

- NSND Lê Hùng: Tôi dựng hay thì các đoàn họ mới mời chứ. Có đoàn đặt hàng, xếp hàng tôi dựng vở từ năm ngoái mà vẫn chưa được. Những vở hội diễn hoặc những vở muốn chứng tỏ tên tuổi của nhà hát họ đều mời tôi. Mỗi năm nhà hát dựng vài vở, thu nhập của anh em nghệ sỹ cũng trông chờ cả vào tiền bán vé vở diễn. Khán giả chỉ cần biết Lê Hùng làm là kéo đến đông nghìn nghịt. Thế mà giao cho một đạo diễn “non tay” nhỡ mà hỏng thì đoàn đấy cả năm coi như chết đói. Có người bảo tôi tham, dựng nhiều vở để kiếm nhiều tiền, điều đấy cũng không sai nhưng tôi dựng vở không chỉ vì tiền. 

- PV: Thế ông dựng vở còn vì điều gì nữa?

- NSND Lê Hùng: Dựng vở để gửi gắm niềm ao ước và mong muốn về cuộc sống, dựng vở còn vì anh em, bạn bè. Đợt dựng vở “Miền đất chết” của Nhà hát Kịch nói Quân đội, tôi đã tặng toàn bộ số tiền thù lao đạo diễn cho tác giả kịch bản khi biết anh này có hoàn cảnh éo le. Không phải vở diễn nào tôi cũng lấy tiền nhưng có những vở, những chương trình lấy rất nhiều, rất nặng. Ví dụ như: tỉnh Phú Thọ mời tôi làm chương trình du lịch về nguồn trong 3 ngày. Lần đấy, tôi lấy thẳng tay nhưng đợt sau, tỉnh Phú Thọ lại kết hợp với Bộ 

VH-TT&DL làm Giỗ tổ Hùng Vương thì tôi lại không lấy tiền. Lãnh đạo tỉnh thắc mắc vì sao không lấy tiền, tôi bảo: “Giỗ bố không ai lấy tiền”. Khi tôi nói điều này, nhiều người rất ngạc nhiên, không thể ngờ một đạo diễn được các đoàn săn đón, sẵn sàng trả tiền rất cao để mời được tôi dựng vở lại sẵn sàng bỏ thời gian và công sức mà không nhận về đồng nào. 

- PV: Lúc nào cũng bận túi bụi vì công việc, đạo diễn có cách nào để không phát điên lên?

- NSND Lê Hùng: Tôi như con tằm rút ruột nhả tơ, liên miên với công việc nhưng ở mãi trong cái khổ cũng quen, không thấy áp lực. Ăn cơm tối vào lúc 12h đêm là chuyện thường ngày, sau đó là đọc liên tục, cập nhật tin tức thời sự một mạch đến 2h sáng. Tôi biết có nhiều người trong nghề cứ thắc mắc: thằng đấy làm nhiều thế sao mãi không điên nhỉ? Nhưng chờ Lê Hùng điên thì còn lâu lắm (cười). 

- PV: “Sống” với nghề đã lâu, đạo diễn thấy cái “nghiệp” vận vào mình khắc nghiệt như thế nào?

- NSND Lê Hùng: Nghề đạo diễn có cái khắc nghiệt là nếu làm đến vở thứ 2 mà không hay thì không bao giờ có ai mời. Thậm chí xin làm mà họ cũng không cho. Nghề này, không có chuyện nhường nhịn. Trong Nhà hát Kịch Quốc gia, tôi dạy cho các học sinh và tạo điều kiện cho họ nhưng tôi cũng nói với họ: bọn em có giỏi thì bay đến phương trời khác mà kiếm ăn, chứ bọn em kiếm ăn ở quanh quẩn sân nhà thì dễ lắm. Muốn các đoàn mời bọn em thì cố gắng làm hay một tác phẩm. Chứ cứ bắt họ đặt hàng, không ai điên mà bỏ ra đống tiền để chết đói trong một năm. 

- PV: Nhưng đạo diễn cũng là một nghề rất vinh quang chứ, thưa đạo diễn? 

- NSND Lê Hùng: Vinh quang thì chắc chắn rồi thậm chí thi thoảng còn đột nhiên bị “tóm” đi ăn là khác (cười). Có lần, đang đi ngoài đường, tôi thấy từ đằng xa một người đàn ông trung niên chạy đến và vồn vã mời đi ăn. Đang chưa hiểu chuyện gì thì ông bạn này “tay bắt mặt mừng” bảo: “cái chương trình “Người ngựa, ngựa người” có nghệ sỹ Xuân Hinh và Thanh Thanh Hiền đóng của bác, em thắng hơn 1 tỷ đồng. Em thần tượng bác quá nên hôm nay mời bác đi ăn cơm để cảm ơn”. Lúc hỏi chuyện ra mới biết, anh này bán đĩa ở chợ Hòa Bình. Có những việc, kể ra cho mọi người biết thế thôi, chứ nghề đạo diễn vất vả là phần nhiều. 

- PV: Là Giám đốc Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đạo diễn có thể chia sẻ những dự định trong phát triển thương hiệu nhà hát? 

- NSND Lê Hùng:  Ngay từ khi làm giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, tham vọng khôi phục lại hình ảnh “Anh cả đỏ” đã nằm sẵn trong đầu tôi và bắt đầu được triển khai trong thực tế bằng nhiều vở diễn đoạt HCV tại hội diễn. Nói gì thì nói, diễn viên sống bằng vai diễn còn nhà hát sống bằng tác phẩm. Giờ thì Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam đã sáp nhập lại thành Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam thì tôi còn nhiều việc khác để làm. Đấy là giới thiệu trình độ kịch nghệ của Việt Nam ra thế giới. Việt Nam rất tự hào là một trong số các nước của châu Á có nền kịch nói. Trong khi đó, các nước ở ngay gần chúng ta như Brunei, Thái Lan không hề có bộ môn nghệ thuật này. Chỉ tiếc rằng, khán giả hiện nay đã quan tâm đến kịch chưa đúng mức nhưng tôi tin, họ sẽ quay lại. Bởi như ở Bắc Kinh, xem kịch đã trở thành thời thượng, những gia đình có tiền, có học sẽ đi xem kịch để học hỏi và chứng tỏ bản thân. Hay ngay như khán giả phía Nam, những buổi sinh nhật còn có “mốt” tặng vé xem kịch. Vậy thì không có lẽ gì, khán giả phía Bắc lại không đi theo xu hướng này.