Chợ Hà Nội: Hoài niệm nếp xưa

(ANTĐ) - Từ lâu, Thăng Long đã được biết đến với tên gọi Kẻ Chợ, mạng lưới chợ dày đặc chính là yếu tố cốt lõi để làm nên nền kinh tế thị thành. Hãy gạt bỏ yếu tố kinh tế và nhìn những khu chợ này dưới góc nhìn văn hóa, sẽ thấy nhiều điều thú vị… Hơn 1 năm nay, 20 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã triển khai dự án mang tên “Chợ Hà Nội xưa và nay”...

Chợ Hà Nội: Hoài niệm nếp xưa

(ANTĐ) - Từ lâu, Thăng Long đã được biết đến với tên gọi Kẻ Chợ, mạng lưới chợ dày đặc chính là yếu tố cốt lõi để làm nên nền kinh tế thị thành. Hãy gạt bỏ yếu tố kinh tế và nhìn những khu chợ này dưới góc nhìn văn hóa, sẽ thấy nhiều điều thú vị… Hơn 1 năm nay, 20 nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã triển khai dự án mang tên “Chợ Hà Nội xưa và nay”...

Đặc sắc chợ Hà Nội xưa

50 chợ lớn ở Hà Nội đã được tìm hiểu trên nhiều khía cạnh như lịch sử hình thành, tên chợ, địa điểm họp chợ, đặc sản… đã làm nổi bật những nét đặc thù của chợ xưa cũng như văn hóa chợ. Không chỉ dừng lại ở đó, những câu chuyện dân gian, ca dao hò vè gắn với chợ trong tiến trình lịch sử cũng được nghiên cứu.

Hà Nội giờ chỉ còn chợ Bưởi và chợ Mơ là vẫn giữ được nếp xưa. Mỗi tháng đủ 6 phiên đều đặn họp. Không phải vô duyên vô cớ mà chợ Bưởi lại nổi tiếng. Đó là bởi, nó nằm ở vị thế đắc địa, nơi giao nhau giữa hai con sông Thiên Phù và Tô Lịch, nơi thông thương của cả vùng phía Tây hồ Tây.

Mặt hàng chính của chợ Bưởi xưa không phải bán cây giống như bây giờ mà là trâu bò, gà vịt, ngan, ngỗng. Rồi lại có cả những gian bán giấy dó của làng Yên Thái,  lụa, lĩnh của những làng nghề ven hồ Tây, rồi cả các mặt hàng thủ công truyền thống, nông cụ…

Cái đặc sắc nhất của chợ Bưởi xưa là những thao tác mổ trâu bán ngay tại chợ vào dịp Tết. Trước khi mổ, người ta thắp hương rồi làm lễ, khấn vái rất cẩn trọng và nghiêm trang.

Chợ Bưởi xưa qua bức bưu ảnh cổ
Chợ Bưởi xưa qua bức bưu ảnh cổ

Ở chợ Mơ cũng có tục lạ. ấy là mỗi khi vào chợ, người dân thường dừng lại thắp hương ở miếu Trung Hiền. Nguyên miếu thờ một người đàn ông bỗng dưng chết ngay cổng chợ. Chỉ qua một đêm, mối đã xông kín thi thể người xấu số.

Dân làng thấy vậy cho là thiêng, liền lập miếu thờ. Những người già ở Kẻ Mơ vẫn còn nhớ “dị bản” câu chuyện về miếu Trung Hiền. Xưa kia, đường vào chợ khá lầy lội, thế nên, các bà các cô đi chợ thường phải vén váy để qua chỗ lội. Nhưng có điều lạ, cứ lần nào vén váy lội qua miếu là lần ấy buôn may bán đắt…

Có những chợ, mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào giáp Tết, như chợ của những làng ven đô Khương Trung, Quan Nhân, làng Lủ (Kim Giang bây giờ)… những mặt hàng được trao đổi mua bán tại phiên chợ đặc biệt này là những sản vật của địa phương, đồ chơi trẻ con ngày Tết… ở Hà Nội xưa, cứ đến phiên người ta lại mang các sản phẩm yếm lụa đến bán ở đình Bán Yếm.

Ngôi đình này giờ vẫn tọa lạc ở 38 Hàng Đào. Rồi còn có cả phiên chợ bán hàng thêu của những người làng Quất Động, họp ở đình chợ thêu số 2 Hàng Hành. Nhiều phiên chợ đặc biệt gắn liền với sự phát triển của ngành nghề thủ công truyền thống của đất Kẻ Chợ không còn nữa.

Văn hóa chợ xưa và nay...

Theo ghi chép của các thương nhân người nước ngoài đến Thăng Long vào khoảng giữa những năm 1883, chợ Hà Nội xưa không có mái che, cũng không có nơi quy định, cả thành phố biến thành cái chợ mênh mông ngoài trời. Cứ 6 ngày lại có một phiên...

Giờ để phục vụ nhu cầu của cuộc sống hiện đại, chợ nay ngày nào cũng họp. Mọi thứ đều đã thay đổi. Những tục lệ, lề lối khi đi chợ cũng không còn. Miếu Trung Hiền nằm cạnh cổng chợ Mơ giờ đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho con đường mới mở chạy qua. Chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm Đức Viên... đều đã được xây dựng lại. Khung cảnh chợ họp trên bến dưới thuyền giờ chỉ còn là hoài niệm.

Chợ Bưởi ngày nay đã được xây dựng hiện đại khác xa so với kiến trúc cũ
Chợ Bưởi ngày nay đã được xây dựng hiện đại khác xa so với kiến trúc cũ    

Bóng dáng của những bản giấy dó, những tấm lụa lĩnh, tục tế trâu trước khi mổ thịt cũng không tìm đâu thấy. Mấy chục năm trở lại đây chợ Bưởi lại nổi tiếng với cây cảnh, chim cảnh, thú cảnh, gỗ lũa... Vào phiên, chợ hoa cây cảnh không họp ở trong chợ mà họp trên suốt dọc trục đường Hoàng Hoa Thám.

Không những thế, chợ Hà Nội nay còn sinh nhiều thói xấu. Đâu cũng phấn đấu trở thành trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại. Trăm cái giống nhau cả trăm, “bói” không ra bản sắc riêng.

Từng có câu tục ngữ rằng: “Trai khôn tìm vợ chợ đông/Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”. Không chỉ là nơi giao thương, buôn bán, chợ xưa còn là chốn trai gái gặp nhau để nên duyên chồng vợ. Thế mới hay, chợ xưa lãng mạn và nên thơ biết chừng nào. Còn chợ ngày nay lại khiến cho người ta liên tưởng đến một nơi nhiều bon chen, xô bồ và phức tạp... 

PGS.TS Đỗ Thị Hảo (Chủ tịch Hội Văn hóa dân gian Hà Nội) cho biết, khâu tổ chức ở chợ xưa không cần có hẳn một ban quản lý mà vẫn giữ được quy củ. Chợ họp ở làng nào, làng ấy cử vài người ra trông nom. Người đi chợ không phải trả phí, ai có gì thì cho người trông chợ cái đó, khi thì con cá, khi thì mớ rau.

Cho nhiều dùng nhiều, cho ít dùng ít, không đòi hỏi gì. Chuyện trộm cắp ở chợ cũng ít xảy ra. Ngay cả chuyện mặc cả cũng vậy, người xưa quan niệm, không ai đi một bước tới chợ, trả qua vài lời cho buôn may bán đắt mà thôi. Bây giờ, chuyện nói thách ở chợ là chuyện đáng buồn, thậm chí buôn một nói thách tới gấp dăm bảy lần. Người mua không khéo là thành “gà” cho các chủ hàng thi nhau “vặt”.

Và hoàn toàn không phải vô lý và ngẫu nhiên khi hầu hết các chợ lớn ở Hà Nội xưa đều gắn liền với một tập tục, với một làng nghề thủ công truyền thống nào đó bởi “buôn có bạn bán có phường”. Những nét văn hóa, những phong tục xưa giờ đã phôi phai ít nhiều. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta có quyền quên lãng. Nếu lấy tấm gương văn hóa của chợ xưa mà soi vào, hẳn những con người ngày hôm nay cũng học hỏi được nhiều điều thú vị và đáng quý.               

Quỳnh Vân