Phòng ngừa vỡ nợ tín dụng đen: Nhận rõ những sơ hở chết người

Chớ “gửi trứng cho ác”

ANTĐ - Dù đã có nhiều bài học nhưng hiện nay việc cho vay tín dụng đen vẫn diễn ra như một làn sóng ngầm. Trong khi đó, công tác quản lý tín dụng đen vẫn bị bỏ ngỏ với những quy định thiếu chặt chẽ…

Ngôi nhà của Phạm Thị Chinh đã bị niêm phong


Cứ lãi suất cao là cho vay

Theo ông Nguyễn Xuân Trung - chuyên gia kinh tế, khi cần huy động vốn để kinh doanh bất động sản, chứng khoán hay vàng, các đường dây tín dụng đen với những chân rết ở khắp nơi sẽ tung ra các “chiêu”, tìm mọi cách “moi” tiền của người dân. Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán và vàng lao dốc thì hàng loạt vụ vỡ nợ đã xảy ra liên tiếp. Không ít người tham tiền, tham lãi cao, sẵn sàng cho vay khi chưa có thông tin đầy đủ về người vay. Một nguyên nhân nữa khiến người cho vay không ngần ngại móc túi đưa tiền là do họ tin tưởng vào những mối quan hệ cá nhân của người vay. Bên cạnh đó sự thiếu minh bạch, không đầy đủ về thông tin của người cho vay đối với các đối tác làm ăn trong xã hội cũng là một trong những lý do gây ra vỡ nợ.

Khi con nợ mất khả năng thanh toán hoặc “ôm” tiền cao chạy xa bay,  không chỉ những cá nhân trực tiếp cho vay bị thiệt hại mà nền kinh tế của đất nước cũng phần nào bị ảnh hưởng. Bởi thay vì cho vay ở những nơi thiếu tin tưởng với lãi suất cao, nếu người dân đưa tiền vào các ngân hàng tuy có mức lãi suất kém hấp dẫn hơn song độ an toàn cao hơn sẽ mang lại lợi ích xã hội không nhỏ.

Quy định lỏng lẻo

Theo Luật sư Võ Đình Hải - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 471 - Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định". Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc cụ thể về hình thức của hợp đồng vay tài sản, không quy định hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, chứng thực, nên giấy "viết tay" về việc vay và cho vay một số tiền cụ thể giữa các bên có thể được coi là một hợp đồng vay tài sản, nếu hợp đồng này đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hiệu lực của giao dịch dân sự (hợp đồng) theo quy định tại Điều 127 -Bộ luật Dân sự: “Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện”. Qua áp dụng vào thực tiễn cho thấy quy định này còn khá lỏng lẻo, gây bất lợi đối với người cho vay. Mặc dù các bên có thể tự do lựa chọn hình thức hợp đồng vay tài sản và được pháp luật bảo hộ song về giá trị chứng minh thì rõ ràng, giao dịch bằng hành vi, lời nói sẽ không thể chặt chẽ như hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do đó, giá trị chứng minh của hợp đồng vay bằng văn bản có công chứng, chứng thực sẽ có lợi thế hơn, đặc biệt khi có thêm xác nhận từ bên thứ ba.

Cũng theo luật sư Hải, Điều 427 - Bộ luật Dân sự quy định, nếu quá thời hạn luật định mà người vay không trả nợ, ngoài ra còn có thái độ trốn tránh nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thì người cho vay có quyền khởi kiện người vay ra TAND cấp quận, huyện (nơi người vay cư trú) để được xem xét giải quyết với thời hiệu là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Tuy việc vay và cho vay là do thỏa thuận của các bên trên tinh thần tự nguyện song lãi suất cho vay lại được quy định cụ thể trong luật. Cũng tại Điều 476 - Bộ luật Dân sự đã ghi rõ khi vay nợ hai bên thỏa thuận với nhau mức lãi suất và thời hạn vay; việc cho vay và vay phải làm hợp đồng vay nợ. Lãi suất hàng tháng do hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Việc xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ vừa qua đã cho thấy tình trạng cho vay nặng lãi vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân nhiều đối tượng đã tung ra chiêu bài trả lãi cao để huy động vốn.

Điều đáng nói là hầu hết các hợp đồng tín dụng đen đều rất sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng, không có điều khoản quy định rõ về quyền và nghĩa vụ các bên; không ghi rõ thời hạn trả nợ, không có tài sản đảm bảo, thế chấp; các loại giấy tờ kèm theo các hợp đồng như sổ đỏ, chứng chỉ… phần lớn lại là bản photocopy không công chứng nên không có giá trị pháp lý. Do đó, khi xảy ra vỡ nợ, hành vi của cả hai bên đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật như lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, người cho vay là người chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Do những vụ vay nợ thường được tiến hành một cách kín đáo, chỉ diễn ra giữa con nợ và chủ nợ nên chỉ khi vỡ nợ, người vay bỏ trốn thì cơ quan chức năng mới biết và vào cuộc. Để tránh rơi vào tình cảnh “cháy nhà mới ra mặt chuột”, người dân nên tỉnh táo và sáng suốt, không nên tin tưởng vào những lời hứa hẹn, những khoản lợi nhỏ trước mắt mà trao gửi tài sản của mình, kẻo tự đẩy mình vào cảnh “gửi trứng cho ác”, đến khi ân hận thì mọi chuyện đã quá muộn.

Trao đổi với PV ANTĐ sáng 19-10, Đại tá Phạm Văn Nôm - Trưởng CAH Phú Xuyên cho biết: “Con nợ Nguyễn Thị Cúc, SN 1979, trú tại thôn Văn Minh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên đã bỏ trốn, đang bị truy nã. Hiện đã có 6 bị hại làm đơn trình báo về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Cúc với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng. Những chủ nợ này cũng là con nợ của nhiều người khác. Hiện cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can”.