Chờ gì ở "Hội nghị Diên Hồng" bóng đá Việt?

ANTD.VN - Chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc giao Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến sâu rộng đông đảo tầng lớp nhằm giải quyết tận gốc những hạn chế của nền bóng đá Việt, đã đáp ứng mong mỏi của người hâm mộ cả nước.

Phấn khởi và kỳ vọng là tâm lý chung của những người tâm huyết, yêu mến bóng đá Việt Nam sau những chỉ đạo trực tiếp của người đại diện Chính phủ - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc vừa qua với Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT, LĐBĐ Việt Nam.

Tại đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngoài việc chỉ trúng những hạn chế, yếu kém của nền bóng đá, còn gợi mở nhiều hướng khắc phục cho những người đầu ngành thể thao và trực tiếp giao Bộ VH-TT&DL mở hội thảo lấy ý kiến sâu rộng đông đảo tầng lớp nhằm giải quyết tận gốc những hạn chế của nền bóng đá.

Bóng đá Việt Nam bao năm qua chưa thoát lên khỏi sự trì trệ

Thực tế, việc tổ chức hội thảo bóng đá từng được Tổng cục TDTT đưa ra vào cuối năm 2015, công bố chi tiết các nội dung của hội thảo cũng như thành phần mời dự. Nhưng sau đó Tổng cục TDTT bất ngờ tuyên bố hủy "Hội nghị Diên Hồng" này vì cho rằng "không cần thiết" và "sợ mang tiếng xấu từ dư luận nếu hội thảo không mang lại hiệu quả".

Cũng bởi tâm lý "sợ" đó mà bóng đá Việt Nam hai năm qua vẫn không thoát khỏi sự trì trệ, ở cả giải VĐQG đến các ĐTQG. Và sự vào cuộc của Chính phủ với chỉ đạo quyết liệt mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mở ra hy vọng cải tổ nền bóng đá.

Giải VĐQG Việt Nam thưa vắng người xem vì bạo lực, tiêu cực 

Hai năm trước, HLV lão làng Lê Thụy Hải khi nghe về "Hội nghị Diên Hồng" đã bày tỏ vui mừng vì theo ông, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi.

"Theo tôi nên mời những người có tâm huyết, hiểu biết, còn đam mê với bóng đá Việt Nam để người ta nói chuyện, đóng góp ý kiến, thậm chí phê phán. Qua đó có thể tập hợp, sàng lọc để chọn ra các ý kiến tốt. Đơn vị chủ trì hội thảo cũng nên tạo ra các chuyên đề để định hướng để cuộc thảo luận chất lượng và gọn", ông Hải góp ý.

Lãnh đạo Tổng cục TDTT khi đó cũng đề ra 3 nhóm vấn đề cho hội thảo: Thứ nhất, công tác đào tạo VĐV bóng đá, xây dựng lực lượng cho các CLB, đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia. Thứ hai, cách tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp. Thứ ba, cách xây dựng hình ảnh bóng đá Việt Nam.

Cả 3 vấn đề trên đều rất cần cải cách để nền bóng đá phát triển. Thế nhưng còn yếu tố khác rất quan trọng nhưng chưa được nhắc tới, đó là khán giả.

Vai trò của người hâm mộ chưa được coi trọng đúng mức

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra rất trúng vấn đề, khi yêu cầu lãnh đạo ngành thể thao: "Phải làm rõ nguyên nhân thực sự khiến người hâm mộ không mặn mà với bóng đá. Từ đó đưa ra được giải pháp, phương thuốc điều trị đúng, xử lý tận gốc của vấn đề".

Bóng đá suy cho cùng là một sản phẩm giải trí phục vụ người xem nhưng bao năm qua đối tượng này dường như chưa được quan tâm và coi trọng.

Có người từng chua chát nói về thực trạng nhiều cầu thủ sau khi ghi bàn thay vì quay sang cảm ơn khán giả - những người đến sân cổ vũ mình, lại tiến tới cúi đầu trước ông bầu, những người thường hứng chí rút tiền thưởng nóng cầu thủ sau mỗi trận đấu. Rồi ở nhiều đội bóng, hội CĐV bị lãnh đạo đội bóng bỏ rơi như đứa con vô thừa nhận.

Sự xuống dốc của giải VĐQG lẫn ĐTQG dẫn tới tình trạng người hâm mộ thờ ơ với bóng đá nội và ngược lại. Vì vậy, những chính sách nhằm cải tổ nền bóng đá rất cần cân nhắc việc lấy khán giả, người xem làm trung tâm của sự phục vụ.

Mong là, "hội nghị Diên Hồng" bóng đá Việt tới đây sẽ có nhiều tiếng nói tâm huyết từ đại diện người hâm mộ, các nhà làm bóng đá phong trào, bóng đá học đường. Thay vì chỉ dừng ở ý kiến của những "ông nghị gật", bao năm qua vẫn ngồi đó song hành cùng sự trì trệ của bóng đá nước nhà.

Vì sao khán giả chán V-League?

Dưới góc nhìn của người làm chuyên môn lâu năm, chuyên gia Đoàn Minh Xương đưa ra 5 nguyên nhân và đó cũng là ý kiến ông muốn đóng góp cho hội thảo tới đây nếu được mời tham dự:

Thứ nhất, hệ thống thi đấu các giải quốc nội đang hết sức bất hợp lý, theo mô hình tháp ngược đó là giải V-League thì có tới 14 CLB tham dự, nhưng hạng nhất chỉ có 7 đội. Chân đế không rộng thử hỏi làm sao giải cao hơn có thể phát triển tốt?!

Chờ gì ở "Hội nghị Diên Hồng" bóng đá Việt? ảnh 4

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương

Thứ hai, trọng tài không được cầu thủ, thành viên đội bóng tôn trọng, phản ứng ngay trên sân cỏ, tạo nên hình ảnh phản cảm làm người xem chán chường. Vô hình trung, những hành vi ấy càng làm cho đội ngũ trọng tài bị giảm uy tín trong mắt người xem.

Thứ ba, rất nhiều CLB tồn tại phập phù, bởi chỉ cần nhà tài trợ rút lui vì lý do nào đó thì đội bóng ấy sẽ bị xóa sổ ngay tức khắc. Năm năm qua, bóng đá Việt Nam đã mất đi không dưới 5 CLB.

Thứ tư, nhiều cầu thủ không toàn tâm toàn ý với nghề, không biết nâng niu giữ gìn hình ảnh của CLB, của chính mình. Họ sẵn sàng chơi bóng bạo lực hoặc có những hành vi thiếu văn hóa làm tổn thương người xem bóng đá chân chính.

Thứ năm, tiêu cực với bóng đá nước nhà vẫn còn, có điều tinh vi, khéo léo hơn. Điều này khiến các trận đấu diễn ra không đúng thực chất, người xem cảm giác bị lừa dối, phản bội và quay lưng.