Chờ được vaccine thì hết dịch?

ANTĐ - Theo thông cáo mới nhất của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế, trong gần 98.000 liều vaccine phòng thủy đậu được Cục phê duyệt nhập khẩn cấp, hiện đã có 20.000 liều về nước. Thời gian tới, số vaccine này sẽ được phân phối đến các điểm tiêm chủng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm vaccine phòng bệnh của nhân dân.

Dự trù không sát thực tế khiến việc cung ứng vaccine bị chậm

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết, trước tình hình dịch thủy đậu gia tăng mạnh những tháng đầu năm nay, trong khi tất cả các điểm tiêm chủng đều đã hết vaccine, Cục Quản lý dược đã cho phép nhập khẩu 77.800 liều vaccine thủy đậu theo hình thức giấy phép nhập khẩu chưa có số đăng ký. Số vaccine này đang được nhà sản xuất khẩn trương kiểm tra chặt chẽ chất lượng và an toàn trước khi xuất xưởng, đồng thời khi về Việt Nam sẽ được Viện Kiểm định Quốc gia về vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định theo quy định. 

Ngoài 77.800 liều nói trên còn có 20.000 liều vaccine thủy đậu khác có số đăng ký và được Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩn cấp. Hiện 20.000 liều này đã về Việt Nam. Viện Kiểm định Quốc gia về vaccine và sinh phẩm y tế đang khẩn trương kiểm định chất lượng từng lô thuốc để đảm bảo an toàn, hiệu quả trước khi đưa ra sử dụng. Ông Nguyễn Tất Đạt cho biết, với vaccine, sau nhập khẩu phải mất khoảng thời gian kiểm định dài hơn so với các mặt hàng tân dược. Cụ thể, vaccine sẽ phải được kiểm định về độ an toàn trên động vật thí nghiệm và một số trường hợp kiểm định tính sinh miễn dịch, nếu tất cả đều đảm bảo thì mới có thể đưa ra thị trường để cung ứng tới bệnh nhân.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, thông thường thời gian kiểm định vaccine theo quy trình nói trên phải mất ít nhất 1 đến 2 tuần. Hiện tại, qua tổng hợp nhu cầu tiêm vaccine thủy đậu ở Hà Nội thì số lượng   vaccine thủy đậu cần nhập về không lớn lắm. Khi vaccine thủy đậu được kiểm định xong, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội sẽ nhanh chóng phân phối vaccine về các điểm tiêm chủng để đáp ứng nhanh nhất nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Do đây là vaccine dịch vụ nên số lượng người đến tiêm vaccine thủy đậu trong thời gian tới nhiều hay ít, tăng hay giảm khó đoán được.

Theo phân tích của một chuyên gia y tế dự phòng, sớm nhất cũng phải 1-2 tuần nữa thì vaccine phòng thủy đậu mới có thể được phân phối đến các điểm tiêm chủng. Trong khi đó, thủy đậu là bệnh cấp tính bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và thông thường khi bước vào tháng 4 hàng năm dịch sẽ tự giảm dần rồi hết. Điều đó cũng có nghĩa, thời gian tới khi 98.000 liều vaccine thủy đậu được đưa ra thị trường, việc tiêm chủng chủ yếu chỉ nhằm đáp ứng phòng bệnh trong các vụ dịch sau.

Nói về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc để xảy ra tình trạng thiếu vaccine thủy đậu kéo dài nhiều tháng qua, thông cáo của Cục Quản lý Dược lý giải, vaccine phòng bệnh thủy đậu được cung cấp theo nhu cầu của thị trường, việc đảm bảo cung ứng vaccine này do dự trù của các cơ sở tiêm phòng dịch vụ, cơ sở khám bệnh và chữa bệnh theo nhu cầu thị trường để đặt hàng các đơn vị kinh doanh, nhập khẩu vaccine cung ứng. Ông Nguyễn Tất Đạt cũng lý giải thêm, bệnh thủy đậu đôi khi diễn biến thất thường dẫn đến việc dự trù của các cơ sở kinh doanh chưa sát với thực tế, gây khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng vaccine như thời gian vừa qua. 

Hiện tại, ngoài vaccine thủy đậu, nhiều loại vaccine dịch vụ khác như cúm, cúm A/H7N9, sởi, rubella… cũng đang thiếu. Cục Quản lý Dược đã chỉ đạo và thông tin cho các doanh nghiệp để chủ động đặt hàng các loại vaccine này. Hiện 6.590 liều vaccine phối hợp “5 trong 1” đã được các đơn vị nhập khẩu về nước. 

Những trường hợp không tiêm vaccine thủy đậu

Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo, thủy đậu cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, tiêm vaccine là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất. Tất cả những người chưa bị mắc bệnh thủy đậu hoặc chưa được tiêm vaccine đều có thể mắc bệnh. Cục này cũng khuyến cáo không tiêm vaccine thủy đậu trong các trường hợp sau: trẻ đang sốt, bị bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, người mẫn cảm với các thành phần của vaccine, người bị thiếu hụt miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, phụ nữ đang mang thai.