Thực phẩm Việt Nam:

Chỗ đứng thấp vì không có thương hiệu

ANTĐ - Trong hình dung của người tiêu dùng nước ngoài, thực phẩm Việt Nam được biết đến với giá rẻ nhưng chất lượng không cao. Nói cách khác, hàng Việt Nam chưa có thương hiệu. Thế nên, vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng hóa nội địa đang trở thành vấn đề cấp bách khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng.
Chỗ đứng thấp vì không có thương hiệu ảnh 1

Cá tra của Việt Nam được xuất sang hơn 100 thị trường 

Không ai làm thương hiệu

Dẫn kết quả nghiên cứu về 50 thực phẩm tốt nhất trên thế giới được thực hiện từ năm 2011, ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty CP Nafood Group cho biết, phở và gỏi cuốn Việt Nam lần lượt xếp ở vị trí 28 và 30. Tuy nhiên, vì chưa có thông điệp tốt về 2 món ăn nổi tiếng này nên khách hàng quốc tế khó nhận diện. “Chúng tôi có hỏi một số thông tin nhận diện thực phẩm với hơn 2.000 khách du lịch. Kết quả cho thấy, Nhật Bản đứng thứ nhất, Thụy Sỹ đứng thứ hai, Hàn Quốc thứ 20, Thái Lan xếp thứ 38, Trung Quốc xếp thứ 49 và Việt Nam ở vị trí số 64” - ông Nguyễn Công Kiên nói.

Theo vị đại diện doanh nghiệp này, Việt Nam được người nước ngoài nhắc đến với đặc điểm là người dân thân thiện, làm việc chăm chỉ và sản phẩm giá rẻ nhưng chất lượng không cao. “Chính vì vậy, cần thay đổi suy nghĩ này để sản phẩm Việt Nam được nhận diện về chất lượng cao. Chúng ta phải phấn đấu để đạt được vị trí cao hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới” - ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, mặc dù 8% lượng chè sản xuất ra được tiêu thụ tại 74 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng giá chè xuất khẩu lại đang ở mức thấp. Đại diện Hiệp hội chè cho biết:  “Việt Nam có nhiều chè ngon bán được đến 100 USD/kg, thậm chí chè sen Hồ Tây có giá 300 USD/kg nhưng sản lượng không nhiều. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, không có chiến lược phát triển marketing, chỉ biết mua chè của nông dân bán cho ông A, ông B, không hề nghĩ đến thương hiệu và chiến lược. Xuất khẩu chè của Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới nên xây dựng thương hiệu rất quan trọng”.

Trên thực tế, Việt Nam có tiềm năng lớn về ngành hàng thực phẩm. Không chỉ là chanh leo, chè mà còn có gạo, cà phê, hạt điều, cá tra… Lượng xuất khẩu các mặt hàng này rất lớn trong khi giá trị lại không cao do không có thương hiệu, không ổn định về chất lượng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, giá trị hàng xuất khẩu của ta chưa cao. Hàng hóa Việt Nam hiện được xuất khẩu đi nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng công tác xây dựng thương hiệu, marketing còn hạn chế. Lợi nhuận xuất khẩu còn thấp. Thực phẩm của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng cao, chưa dành được vị trí vững chắc trên thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.

Hết thời làm ăn chụp giật 

Theo bà Lê Thị Bích Thu - Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), Bộ Công Thương đã có chương trình xây dựng thương hiệu cho chè xuất khẩu, nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. “Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng cần phải tự nỗ lực. Chúng ta cố gắng trong nhiều năm nhưng chỉ một số lô hàng xuất khẩu không đảm bảo chất lượng thì thương hiệu lập tức bị giảm sút” - bà Lê Thị Bích Thu nói. 

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, không chỉ ở Việt Nam mà cả những nước nông nghiệp khác, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm đa số. Việc liên kết các doanh nghiệp cùng ngành để xây dựng thương hiệu là rất khó nhưng doanh nghiệp làm ăn chính thống sẽ thành công. “Vấn đề là doanh nghiệp phải làm chứ không phải chỉ nói suông. Doanh nghiệp làm ăn chụp giật thì không làm được thương hiệu vì để thành công, doanh nghiệp cần 5-10 năm, chứ không phải chỉ vài chuyến hàng. Cần duy trì chất lượng nhất quán, ổn định” - đại diện Nafood chia sẻ. 

Ông Julian Lawson Hill - chuyên gia xây dựng thương hiệu cho biết, vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào chất lượng sản phẩm. Thương hiệu tốt sẽ giúp cho sản phẩm được mua thường xuyên hơn, người tiêu dùng chi nhiều hơn và gợi ý cho những người khác nữa, từ đó mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm xuất khẩu. Ông Nguyễn Trung Kiên nói: “Chúng ta thường quan tâm đến số lượng hơn là giá trị. Tuy nhiên, số lượng sẽ thay đổi lớn khi giá xuống thấp, thị trường thu hẹp… Thế nên, chúng ta cần xây dựng thương hiệu để khi khách hàng nhìn vào sản phẩm Việt Nam sẽ thấy ngay đó là sản phẩm đáng tin cậy, an toàn và chất lượng cao; được sản xuất tự nhiên, có lợi cho sức khỏe...”. 

“Thương hiệu thực phẩm giúp cải thiện giá bán, làm nền tảng để tạo ra thị trường, ổn định thị trường. Thương hiệu nói lên văn hóa, đặc điểm của dân tộc và sức sản xuất. Thương hiệu sẽ mang lại lợi ích, danh tiếng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có vị thế trên thị trường thế giới”.
Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam