Chờ độ ngấm chính sách

ANTĐ - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian thích đáng để xem xét tờ trình của Chính phủ kiến nghị Quốc hội ra một nghị quyết ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho giới doanh nghiệp, đồng thời cho ý kiến về sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Những điểm nghẽn của giới doanh nghiệp đang được tháo gỡ, nhưng kết quả chưa thấy ngay được.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành trong những năm gần đây. Tuy vậy, để làm rõ hiệu quả, tồn tại và hạn chế của chính sách, chúng ta cần có phân tích xác đáng những tác động và mặt trái về khía cạnh kinh tế và xã hội trong thực thi chính sách thuế.

Ông Chủ nhiệm Ủy ban đặt câu hỏi: có cần thiết ban hành một nghị quyết cấp bách chỉ kéo dài 6 tháng để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi sức lan tỏa của nó còn hạn chế và chỉ mang tính “động viên” doanh nghiệp? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, vấn đề nóng bỏng hiện nay là tập trung giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho như Quốc hội đã ban hành một nghị quyết tổng thể. Thứ trưởng Bộ Tài chính lý giải, đây chỉ là những giải pháp ngắn hạn không nên đưa vào hai Luật thuế trên sẽ ảnh hưởng đến “sức sống” lâu dài của luật. Vì thế, nghị quyết riêng để triển khai kịp thời “giải cứu” doanh nghiệp là cần thiết.

Về việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Chính phủ đã đồng ý lùi thuế suất về mức 22% thay vì mức 23%. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ, đối tượng kinh doanh nhà ở xã hội sẽ được hưởng mức ưu đãi 22% ngay từ ngày 1-7 năm nay để thúc đẩy giải tỏa tồn kho bất động sản. Ý kiến của Chủ tịch Quốc hội lại nhấn mạnh rằng, cần tính toán để mọi đối tượng kinh doanh được hưởng mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ngay từ ngày 1-7-2013 thay vì phải đợi đến tận ngày 1-1-2014. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong quý I vừa qua, hơn 15.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, trong đó có tới hơn 13.000 doanh nghiệp đóng cửa, tăng 26% so với cùng kỳ.

Điều đáng quan tâm là cho dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp như gia hạn nộp thuế, lãi suất cho vay “hạ nhiệt”, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng, dòng vốn giá rẻ từ ngân hàng đang “chảy” vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Song, tất cả chưa mang lại ngay kết quả như kỳ vọng, bởi vì “liều thuốc” chưa đủ mạnh và còn phải chờ độ ngấm.