Chớ để “chuyện đã rồi”

ANTĐ - Các chuyên gia bất động sản khuyến cáo, khách hàng mua căn hộ từ các tầng văn phòng, tầng kỹ thuật chuyển đổi công năng sử dụng sẽ gặp rủi ro cao, bởi các tài sản này không được công nhận về tính pháp lý. Thực trạng này đang diễn ra ở Hà Nội, khi chủ đầu tư thay vì làm đúng thiết kế, giấy phép xây dựng, đã tự ý chuyển đổi công năng toà nhà, “biến” các tầng văn phòng, kỹ thuật thành căn hộ để bán thu về tiền tỷ, còn khách hàng sẽ gặp rủi ro lớn khi mua căn hộ biến tướng này.

Tại một số dự án ở Hà Đông, Nam Từ Liêm, người mua nhà hết sức lo ngại trước thông tin dự án chưa được phép chuyển đổi tầng dịch vụ thành nhà ở. Khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đã cam kết giao nhà và hoàn thành thủ tục chuyển đổi nhưng tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Tại tòa nhà này, từ tầng 1 đến tầng 2 là tầng thương mại và dịch vụ, tầng 3 là văn phòng cho thuê, song chủ đầu tư đã tự ý biến 3 tầng này thành căn hộ để bán kiếm lời.

Tương tự, tại dự án chung cư FLC, quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư cũng tự ý thay đổi công năng, cơi nới thêm nhiều căn hộ trên tầng thượng để bán với giá “ưu đãi”. Thừa nhận thực trạng này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thời gian qua, trên địa bàn thành phố đã có nhiều chủ đầu tư vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng nhà ở, dẫn đến  ách tắc trong việc cấp sổ đỏ. Lỗi chính là do các chủ đầu tư vi phạm về thiết kế, chưa làm xong thủ tục về đất đai, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính... Cuối cùng, mọi rủi ro, thiệt thòi đều đổ lên người mua nhà. 

Đại diện Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích, tình trạng chuyển đổi công năng tầng dịch vụ hoặc cơi nới thêm tầng, thêm căn hộ để bán  “chui” cho người dân là sai phạm. Hơn thế, hành động này còn ảnh hưởng bất lợi đến toà nhà và người dân sinh sống trong đó. Việc xử lý sai phạm của các chủ đầu tư là đương nhiên, nhưng còn những người mua nhà, vừa mất tiền, vừa chuốc thêm rắc rối? Đáng lo ngại là việc xử lý các chủ đầu tư cố tình vi phạm thường rơi vào thế “chuyện đã rồi”.