Chớ “đánh bùn sang ao”

ANTĐ - Có lẽ vấn đề quỹ đất dành cho giao thông “tĩnh” của Hà Nội “nóng” lên sau khi thành phố áp dụng một số giải pháp chống ùn tắc giao thông, thì vấn đề sử dụng đất trên những vị trí cũ của các trụ sở cơ quan, trường đại học, bệnh viện di dời ra ngoại thành mới được dư luận “để mắt tới”. Đó là những mảnh “đất vàng” giữa lòng Hà Nội mà hàng loạt các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, y tế đã và đang di dời sẽ để lại những khoảng trống, chưa biết chuyển nhượng cho ai và để làm gì? Liệu có tái diễn tình trạng “tiền hậu bất nhất”?

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tuyên bố: “Từ nay, Hà Nội sẽ không cấp phép xây dựng chung cư cao tầng trên vị trí của các trường đại học, bệnh viện, trụ sở các bộ trong diện phải di dời”. Một quyết định được đưa ra vào thời điểm này khiến dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi. Bởi vì Đề án di dời các trường đại học được khởi động từ năm 2009 khi Thủ tướng giao cho Bộ Xây dựng quy hoạch các vùng đại học Hà Nội và TP.HCM đến năm 2050. Như vậy Đề án có cả một lộ trình kéo dài tới năm 2050 có từng bước đi cụ thể cho từng giai đoạn.

Theo ý kiến của Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất - Bộ Giáo dục - Đào tạo, muốn có trường mới phải có mặt bằng, điện nước, giao thông chứ không thể “nhấc” trường đi như nhấc một quân cờ. Điều này hoàn toàn có lý, nhưng điều vô lý là hiện một số trường vẫn được cấp hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất ngay trong nội đô. Chẳng hạn, Đại học Luật Hà Nội đang xây dựng tòa nhà 15 tầng trên diện tích 15.000-16.000m2 với kinh phí 175 tỷ đồng. Đại học Ngoại thương cũng hoàn thành tòa nhà 12 tầng với trị giá xây dựng 120 tỷ đồng. Hoặc khu nhà trọ 19 tầng của Đại học Kinh tế Quốc dân với tổng kinh phí tới 1.160 tỷ đồng. Hiệu trưởng một trường đại học giải thích, việc di dời là đúng đắn nhưng cần có lộ trình, không thể nói dời là dời được ngay.

Vì vậy, trong khi chờ đợi các chủ trương lớn của Nhà nước, các trường vẫn “cố thủ”. Trở lại câu chuyện những khu “đất vàng”... bỏ trống. Đơn cử như trụ sở của Thanh tra Chính phủ trên đường Đội Cấn, nay đã chuyển đến quận Cầu Giấy. Hiện tại, trụ sở cũ vẫn bỏ trống, chưa có “động tĩnh” gì về công trình, dự án thay thế. Cơ quan này có ý định xây nhà cho cán bộ nhân viên tại trụ sở cũ nhưng chưa có đề xuất chính thức, quy mô xây dựng cụ thể. Đồng tình với chủ trương di dời các bộ ra khỏi nội thành, nhưng các Bộ Giao thông - Vận Tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang sử dụng trụ sở cũ và việc di chuyển chắc còn lâu dài. Chánh Văn phòng Bộ GTVT hoàn toàn đồng tình với việc di dời và không cấp phép xây dựng nhà cao tầng trên các khu đất cũ để giảm ùn tắc giao thông. Bộ này sẵn sàng “làm gương” chuyển đất tại trụ sở cũ cho TP Hà Nội và di dời tới trụ sở mới theo chỉ đạo của Thủ tướng. Câu hỏi dư luận đặt ra là xử lý đất cũ sẽ bỏ trống như thế nào để vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đạt cả lợi ích xã hội. Giả sử những khu “đất vàng” đó bán cho nhà đầu tư thì sẽ thu bộn tiền. Thế nhưng như vậy thì mục đích di dời trụ sở để giảm tải cho nội thành có ích lợi gì?

Có câu thành ngữ “Đánh bùn sang ao”. Nếu không thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP thì chuyện di dời trụ sở, trường học, bệnh viện để giảm tải và giảm ùn tắc giao thông đã, đang và sẽ diễn ra như kiểu “đánh bùn sang ao”.