Chó dại cắn người tại Sóc Sơn: Quy định có cũng như không

ANTĐ - Liên quan đến đàn chó lạ nghi dại xuất hiện trên địa bàn xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) cắn gần 100 người gây hoang mang thời gian qua, phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với ông Cấn Xuân Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội về vấn đề này. 

- Đến nay, đã xác minh được nguồn gốc số chó lạ trên địa bàn xã Bắc Sơn?

- Ông Cấn Xuân Bình: Bốn mẫu bệnh phẩm do xã Bắc Sơn gửi đi phân tích đều đã cho kết quả dương tính với bệnh dại. Vì vậy, có thể khẳng định, tại xã Bắc Sơn đã phát hiện bệnh dại trên chó. Chỉ cần có kết luận như vậy là có thể triển khai các biện pháp chống dịch.

- Việc xác định nguồn gốc đàn chó vừa bớt hoang mang trong nhân dân vừa thuận lợi cho việc dập dịch tận gốc? 

- Việc xác định được nguồn gốc số chó lạ đó không ảnh hưởng gì đến việc phòng chống dịch. Cũng rất khó để xác định được số chó bị dại đó đến từ đâu. Không thể đổ cho chó từ Thái Nguyên hay Vĩnh Phúc sang, vì cũng có thể chó trong dân nuôi, thả rông cắn người rồi không ai dám nhận. Chó không có tên tuổi hay nhận danh, định dạng, đeo số nên khó xác định.  

- Việc tiêm phòng chó, mèo vẫn được thực hiện hàng năm?

- Chi cục Thú y đã cấp phát gần 27.000 liều vaccine vào tháng 3-2013 trong đợt 1 cho các xã tiêm phòng. Vừa qua, tại Bắc Sơn xuất hiện dịch, Chi cục tiếp cục cấp phát 28.000 liều nữa. Vaccine hoàn toàn xuất cấp không thu tiền. Tiền công cán bộ đi tiêm cũng được hỗ trợ, người dân không mất kinh phí. 

- Tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó của huyện Sóc Sơn có cao?

- Trong đợt tiêm phòng tháng 3 vừa qua, huyện Sóc Sơn có tỷ lệ tiêm phòng chó, mèo đạt rất thấp do không bắt được để tiêm. Ở Bắc Sơn, người dân nuôi nhiều chó, nhưng đều thả rông, địa hình đồi núi nhiều nên khó bắt tiêm phòng. Hàng năm, huyện Sóc Sơn đều báo cáo đăng ký 30.000 liều vaccine phòng dại, nhưng qua đợt dịch ở Bắc Sơn, thống kê cụ thể lại mới thấy, số chó mèo nuôi trên địa bàn huyện vượt mức này rất nhiều. Riêng xã Bắc Sơn đã nuôi tới 8.000 con. 

- Ngành nông nghiệp đã có quy định quản lý chó nuôi nhốt, nhưng xem ra ở vùng nông thôn không áp dụng?

- Bộ NN&PTNT có Thông tư 48 hướng dẫn về phòng chống bệnh dại quy định khá cụ thể về việc nuôi nhốt chó như: yêu cầu nuôi chó mèo phải kê khai với chính quyền địa phương, thành lập sổ theo dõi. Chi cục cũng đã in sổ và phát đến các xã, nhưng việc đăng ký gần như không có. 

- Theo ông không hiệu quả vì đâu?

- Chó mèo ở vùng nông thôn hiện nay được nuôi thương phẩm nhiều, thay đổi thường xuyên. Quy định thì đã đầy đủ nhưng việc thực hiện ở các huyện ngoại thành chưa làm được do số lượng chó quá lớn. 

-  Ông đánh giá như thế nào về sự chấp hành quy định nuôi nhốt chó mèo của người dân?

- Mặc dù hàng năm, TP đều cấp phát vaccine miễn phí, hỗ trợ tiền công tiêm, người dân chỉ việc mang chó mèo đi tiêm phòng nhưng cũng không đầy đủ. Vận động, thuyết phục nhưng tỷ lệ tiêm vẫn đạt thấp. Phần lớn người dân vẫn có tâm lý chủ quan, không tiêm phòng.

- Khi bị chó cắn, nên xử lý như thế nào?

-  Trường hợp người dân bị chó mèo cắn, nếu là vết thương không sâu, chó xác định được nguồn gốc bình thường thì nên nhốt chó lại theo dõi khoảng 7 ngày. Khi thấy chó không có biểu hiện gì thì thôi. Còn, nếu là vết thương sâu thì nên đi tiêm phòng, nhốt chó lại theo dõi, con chó có biểu hiện bình thường thì có thể dừng tiêm phòng các mũi tiếp theo.