Chớ coi thường “tay chân miệng”

ANTĐ - Nếu như năm 2011, mãi đến tháng 6 mới ghi nhận những trường hợp mắc tay chân miệng (TCM) và tử vong đầu tiên thì chỉ trong 6 tuần đầu của năm 2012, cả nước đã ghi nhận 6.328 trường hợp mắc, 9 trường hợp tử vong.

Diễn biến nhiều ca bệnh TCM đã trở nên phức tạp. Ảnh minh họa

Dễ nhầm lẫn với sốt virus

Như ANTĐ đã đưa tin, cả 6 trường hợp tử vong do TCM từ đầu năm đến nay đều dương tính với virus EV71. Mặt khác, theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, diễn biến nhiều ca bệnh TCM đã trở nên phức tạp hơn khiến các cơ sở điều trị tuyến dưới không nắm bắt được. Nhiều trường hợp có biểu hiện lâm sàng rất đặc trưng của bệnh TCM nhưng kết quả thử test lại không dương tính. Ngược lại, có trường hợp chỉ có vài vết loét ở miệng, nhiều bác sĩ không nghĩ đến bệnh TCM nhưng lại cho kết quả dương tính với virus này. GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì cảnh báo, đuôi dịch từ năm ngoái đến nay vẫn còn, báo hiệu một năm dịch bệnh diễn biến phức tạp, lưu hành nhiều chủng virus gây bệnh. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi do cơ thể chưa có kháng thể bảo vệ, chưa từng bị nhiễm bệnh trước đó.

Trước diễn biến trên, rất nhiều phụ huynh có con nhỏ dưới 5 tuổi tỏ ra lo lắng, khi thấy con có những biểu hiện như sốt, loét miệng, phát ban là nghĩ ngay đến TCM. Do triệu chứng của bệnh đang diễn biến phức tạp và không rõ triệu chứng đặc thù, đến cả cán bộ y tế còn không phân biệt được sớm thì lo ngại của người dân là điều dễ hiểu. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai cho biết, thời gian gần đây, khoa tiếp nhận khá nhiều trường hợp trẻ được bố mẹ đưa tới khám vì loét miệng, trung bình 6-7 trường hợp/ngày. Hầu hết phụ huynh đưa đến đều hoảng loạn, lo lắng sợ con bị TCM nhưng khi khám kỹ thì hầu hết các cháu chỉ bị loét miệng do virus.

Theo TS Dũng, có thể phân biệt trẻ bị loét miệng do virus thông thường với loét miệng do virus TCM qua đặc điểm: sốt virus thì bé chỉ bị loét tại vùng niêm mạc miệng, đầu lưỡi, sát vòm họng..., nốt loét không phỏng nước, không có nốt ở tay, chân và tình trạng chung của trẻ vẫn rất khỏe, nghịch ngợm, vẫn đòi ăn. Với các trẻ này, chỉ cần giữ vệ sinh sau 3-5 ngày là tự khỏi.

Đã thực sự đáng ngại?

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch TCM của Bộ Y tế ngày 20-2, TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, khu vực phía Nam vẫn là nơi tập trung nhiều bệnh nhân TCM nhất với số người mắc trên 3.860 ca. Trong khi đó, tại Hà Nội và các tỉnh/thành phía Bắc đã ghi nhận gần 1.600 ca mắc mới, dịch đang có những dấu hiệu gia tăng bất thường. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi ngày 21-2 tại một số BV trên địa bàn Hà Nội, số bệnh nhân đến khám do có biểu hiện của TCM khá đông nhưng số được khẳng định dương tính với virus TCM chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương và bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, hiện tại 2 viện này không điều trị ca mắc TCM nào.

Vấn đề lo ngại nhất thời điểm này chính là khâu điều trị TCM ở các BV tuyến dưới, nhất là những ca có triệu chứng và diễn biến bệnh phức tạp đang gặp khá nhiều hạn chế. Trong số 9 ca tử vong do TCM từ đầu năm đến nay, tỷ lệ tử vong tại BV tuyến Trung ương chỉ là 11%, còn BV tuyến tỉnh là 89%. Trong khi đó, theo nhận định của Bộ Y tế, dịch bệnh TCM sẽ diễn biến phức tạp trên diện rộng trong năm 2012, đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11, là thời điểm đỉnh dịch. Vì vậy, để công tác điều trị dịch bệnh TCM có hiệu quả cao nhất, Bộ Y tế đã đề xuất thành lập các trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, BV Nhi Trung ương và BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương để huấn luyện chuyên môn về điều trị, chăm sóc bệnh nhân TCM cho các BV tuyến dưới.

Hiện tại, để phòng chống bệnh TCM, các chuyên gia y tế khuyên người dân cần thực hiện tốt việc ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng và giữ gìn vệ sinh cơ thể. Với các bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi bé xuất hiện nốt loét trong vòm miệng, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi kỹ diễn tiến để bước đầu có thể phân biệt được đó là loét do virus thông thường hay TCM. Lúc đầu, nếu các nốt loét còn ít và không có nốt loét ở tay chân thì cha mẹ có thể bôi thuốc tê giảm đau tại chỗ cho trẻ trước bữa ăn, cho trẻ uống vitamin C, kẽm để tăng cường sức đề kháng. Nếu các nốt loét nhân lên nhanh chóng và có cả nốt loét ở tay, chân, nốt loét phỏng nước thì phải đưa đến BV để được điều trị kịp thời.