Tại phường Đức Giang, quận Long Biên:

Chợ cóc “bao vây” chợ chính

ANTĐ - Có khoảng 40 quầy bán thịt và từng ấy xe thồ, xe đẩy bán rau, củ quả các loại đang hàng ngày “bao vây” chợ dân sinh Diêm Gỗ được xây mới, đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012 ở phường Đức Giang, quận Long Biên. Chính quyền cơ sở nắm được thực trạng này, nhưng đang lúng túng giải pháp xử lý.

Nhếch nhác chợ cóc xung quanh chợ Diêm Gỗ, phường Đức Giang, Long Biên

Chợ Diêm Gỗ ở phường Đức Giang được xây dựng mới trên nền của chợ dân sinh đã có từ hơn 20 năm trước, khi Đức Giang vẫn là xã của huyện Gia Lâm. Khu chợ này từng là điểm đến của những người nông dân trồng rau, củ quả các loại từ Thượng Thanh, Phúc Đồng, Phúc Lợi, Giang Biên, cả dân Yên Viên bên kia cầu Đuống tìm đến. Ngay cả mấy năm gần đây, khi khu đô thị Việt Hưng hiện đại hình thành, nhiều cư dân đô thị vẫn tìm đến chợ Diêm Gỗ, nằm cách mặt đường Ngô Gia Tự chừng 100 mét, để giao dịch. 

Chợ đi vào hoạt động khoảng cuối năm 2012, với 1 tầng lợp mái tôn, phục vụ chủ yếu nhu cầu dân sinh – thực phẩm hàng ngày. Ông Vũ Trung Hiếu – Phó Chủ tịch UBND phường Đức Giang cho biết, có khoảng 170 hộ kinh doanh với đủ các mặt hàng thực phẩm. Có mặt ở chợ Diêm Gỗ, chúng tôi nhận thấy chợ khá sầm uất. So sánh với những trung tâm thương mại tiền tỷ ở nội thành, mới thấy rằng việc “đổ” nhiều tiền chưa hẳn đã thành công, nhất là khi chợ hay trung tâm thương mại không phù hợp với nhu cầu của người dân. Với quận Long Biên và phường Đức Giang, chợ Diêm Gỗ đã giải quyết được cơ bản tình trạng chợ quê cũ xuống cấp, rồi cảnh mua bán tạm bợ.

Tuy nhiên, một thực tế đang khiến chính quyền cơ sở đau đầu, là chợ tạm, chợ cóc đã và đang mọc xung quanh chợ Diêm Gỗ. Bên trong sầm uất, bên ngoài cũng tấp nập không kém. Lãnh đạo phường Đức Giang thống kê, có khoảng 40 hàng thịt cố định và vài chục xe thồ, người bán rong rau, củ quả hàng ngày vẫn “họp” bên ngoài chợ, trên các tuyến đường nội bộ ở các khu dân cư xung quanh. Trong nhiều tháng, phường Đức  Giang đã giải tỏa vi phạm quanh chợ Diêm Gỗ. Số người bán hàng tiếp tục dồn lại, và “đáng buồn, họ lại nhận được sự đồng thuận ngầm của một số cán bộ cơ sở cũng như những chủ hộ có nhà mặt đường cho thuê”, ông Vũ Trung Hiếu chia sẻ.  

Một trong những lý do của sự đồng thuận này đã từng được chính quyền cơ sở làm rõ, đó là nhiều người bán hàng ở chợ cóc nộp “lệ phí” cho cán bộ cơ sở để có thể hoạt động. Đầu tháng 7-2013, lãnh đạo phường Đức Giang đã phải ký công văn, đề nghị việc cán bộ cơ sở của những tổ dân phố thu tiền của người bán hàng, phải lập tức chấm dứt. Một cán bộ CAP Đức Giang cho biết, tuy là thu cho tổ dân phố và sử dụng vào mục đích chung, công khai, nhưng về nguyên tắc quản lý tài chính thu chi, việc thu tiền như thế là không đúng. 

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, đại diện UBND phường Đức Giang khẳng định, hiện không còn việc cán bộ cơ sở tự ý thu tiền của những người bán hàng ngoài chợ. Vậy nhưng tình trạng chợ tạm, chợ cóc vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Lực lượng chức năng phường cứ “nhãng” ra là người bán, người mua lại “chiếm” ngõ, đường. “Không đủ người để “cắm” cả ngày”, đó là lý do mà đại diện chính quyền cơ sở đưa ra. Nhưng có thể thấy lý do sâu xa hơn, đó là sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở. Tồn tại chợ cóc, chợ tạm ngay cạnh chợ chính, nghịch lý ấy không chỉ làm xấu “diện mạo” quận Long Biên, mà đi ngược với chủ trương quản lý trật tự, đô thị của thành phố.