Mốt chơi chó lạ

Chó cắn chết người, xử lý thế nào?

ANTĐ - Không chỉ bó hẹp với những chú chó ta, chó cảnh Nhật, chó Bắc Kinh rộ lên một thời như là một thứ “mốt thời thượng” của những người chơi chó cảnh, giờ những chú chó ngoại hung dữ cũng được “nhập khẩu” về Việt Nam.

Đặc biệt trong số đó phải kể tên “chó ngao Tây Tạng, German Shepherd dog (Bergie Đức), Rottweiler, Doberman”… Và để có một con chó như vậy, cánh chơi cho hay, số tiền bỏ ra không ít, nhiều khi bằng cả một gia sản của một gia đình bình dân. Song điều đáng nói là tại Việt Nam đã có nhiều loài chó rất hung dữ nhưng vẫn chưa có những quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý ngoài quy định ra đường phải đeo rọ mõm. Câu hỏi đặt ra là nếu như những con chó này cắn chết người, chúng ta sẽ xử lý như thế nào?


Chuyện khuyển Hà thành

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây những người giàu đất Hà thành tìm đến “mốt thời thượng” chơi chó lạ như là một tiêu chí của sự sành chơi, đẳng cấp của sự giàu sang. Vậy nên chuyện giá của một con cho không còn được đồn thổi như cách đây 10-15 năm bởi thực tế ở Hà Nội vẫn có những chú khuyển trị giá đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nay những chú khuyển “thuần chủng” thường được đưa về từ các nước châu Âu. Tiêu chí để xác định một chú chó thuần chủng là căn cứ vào “gia phả” của con chó ấy bao gồm nước xuất xứ, nguồn gốc 3 đời từ chó ông bà, bố mẹ... Có những con chó đắt giá Rottweiler thuần chủng, hay như một chú chó Bergie Đức - giống chó được coi là thông minh nhất trong các loài chó với giá tới vài nghìn USD...

Tháng 4-2011, một chú chó ngao Tây Tạng đã được bán với giá 1,6 triệu USD gây xôn xao dư luận. Chú chó có tên Big Splash được ông chủ là Lu Liang, một người chơi chó cảnh ở Trung Quốc bán cho một tỉ phú ngành than. Con chó này mới 11 tháng tuổi nhưng đã nặng 81kg, nó có bộ lông đỏ rực, màu cực hiếm của loài Ngao Tạng. Đến nay chó ngao Tây Tạng - được vinh danh là “thần khuyển”, “chúa tể của thảo nguyên”, loài chó quý hiếm và đắt bậc nhất thế giới cũng đã xuất hiện ở Hà thành tuy không nhiều. Một người được xem là một trong những người đầu tiên đưa chó ngao Tạng về Việt Nam cho biết, một chú chó ngao khoảng 2 tháng tuổi đã có giá tối thiểu là 15 triệu đồng, những chú ngao con được xem là đẹp nhất trong đàn có thể lên tới 35-40 triệu đồng. Còn đối với chó ngao Tạng trưởng thành, đạt tiêu chuẩn phải tính bằng hàng trăm triệu, có khi hàng tỉ đồng tùy thuộc vào sở thích và quyết tâm muốn sở hữu của người mua…

Khi chó... cắn chết người

Không bàn quá nhiều về chuyện khuyển Hà thành, điều chúng tôi muốn đề cập đó là trong số những giống khuyển mà dân chơi nhập về không ít trong số đó là những giống chó rất dữ tợn. Theo kinh nghiệm lâu năm nuôi dạy chó, anh Đỗ Ngọc Nguyễn (Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) đúc kết: “Tại gia đình nên chơi chó cảnh như giống Golden Retriever, Samoyed, Guilty… Tránh nuôi chó ngao Tây Tạng bởi đây là loài chỉ biết đúng một chủ, khó nuôi và nên tránh tiếp xúc với trẻ con. Không những vậy, những người nuôi chó ở Việt Nam đã bao giờ tự hỏi đâu là loài vật nguy hiểm nhất, “khó nhằn” nhất trên cạn hay chưa (?) Vậy nên sự hiện hữu của loại chó Pit Bull American vẫn thường thấy trong các gia đình Việt Nam. Pit Bull nổi tiếng bởi khả năng chiến đấu “giáp lá cà”. Chúng kiên cường, không chịu đầu hàng, là dũng sỹ của những loài chó, xếp ngang hàng với cả “Chó sói xám, Linh cẩu, Khỉ đột lưng bạc, Trâu rừng Phi Châu, Gấu xám Bắc Mỹ, Chồn gulô Bắc Mỹ, Cá sấu nước mặn, Rắn Inland Taipan và Sư tử”. Giống Pit Bull sở hữu bản năng hiếu chiến, hàm răng khỏe với lực cắn “chết người”, thường được huấn luyện để hạ nốc ao những giống chó khác, ngay cả chó sói trong các trận đấu trực diện”.

Cách đây 4 tháng, ngày 17-8-2011, bé gái Ayen Chol (4 tuổi), sinh sống tại TP Melbourne, Australia đã thiệt mạng ngay lập tức khi bị một con chó thuộc giống Pit Bull của nhà hàng xóm hung dữ tấn công. Anh họ 5 tuổi và một cô bé em họ của Ayen Chol cũng bị thương. Và đến nay chuyện chó dữ cắn chết người không còn là hiếm. Trên thế giới những hàng title kiểu như: Pit Bull cắn chết chủ. Pit Bull cắn chết vài người đàn ông. Pit Bull cắn chết một bé gái trong nhà hàng… đã không còn là thông tin lạ. Mới đây, dư luận xã hội lẫn các diễn đàn nuôi chó ở Mỹ thật sự “dậy sóng” khi một em bé 3 ngày tuổi bị một con Pit Bull nuôi chung nhà cắn chết khi người mẹ vừa quay lưng đi vài giây. Điều đáng nói là giống chó này cũng xuất hiện nhiều tại Việt Nam, và mới đây, hình ảnh được lan truyền trong cộng đồng mạng với tốc độ chóng mặt: Một con Pit Bull ngoạm cổ một con chó khác giằng xé, chủ của nó đã cầm dây xích quấn cổ kéo con Pit Bull lại nhưng lực bất tòng tâm, và như để kết liễu cho nhanh để chú khuyển kia bớt đau đớn thì chủ của nó chỉ còn biết gào lên “Giết chết đi”…; và cơn hăng máu của của loài vật được mệnh danh là nguy hiểm nhất trên cạn này đã được đẩy tới cao độ…

Anh Trần Quốc Đạt, chủ trang trại nuôi - huấn luyện chó tại Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Người chơi chó dữ dằn, hiếu chiến tại Việt Nam không ngừng gia tăng như Pit Bull, Bergie Đức, Rottweiler, Presa Canario, Great Dane, Doberman, Fila Frasileiro”…, nhưng không mấy ai có thể hiểu được sự nguy hiểm tiềm tàng của chúng. Qua tìm hiểu những người nuôi chó ở Việt Nam được biết những chó ngoại rất dễ “phản chủ”, tức là cắn luôn cả chủ và những người trong nhà, hàng xóm nếu không tìm hiểu và nuôi dạy đúng cách. Muốn nuôi dạy và huấn luyện tốt một con chó cần tìm hiểu về giống chó đó từ tính tình cha mẹ, ông bà nó và cuối cùng, quan trọng nhất là phải hiểu tính tình con chó mình đang nuôi. Trong vòng 100 năm trở lại đây những giống chó dữ đã được nhân giống sàng lọc để tính tình hiền hơn, thích hợp với cuộc sống con người hiện nay; một số giống chó đã hiền hơn rất nhiều so với tổ tiên của nó, nhưng bản năng vẫn còn tiềm ẩn, những bản năng hung dữ có thể trổi dậy bất ngờ nếu bị đánh thức hay bị kích thích.

Vì vậy lúc nào cũng phải hiểu điều này khi nuôi dạy những giống chó dữ. Đặc biệt phải lưu ý con chó có hiền mấy thì cũng không bao giờ tin nó 100%, nhất là khi nó chơi với trẻ con hay người lạ, con chó muôn đời vẫn là 1 con chó, vẫn là thú vật và sẵn sàng hóa “ác thú” với lối suy nghĩ và hành xử của thú vật, cho dù có huấn luyện thế nào đi nữa”. Và thực tế đã trả lời, dư luận đến nay chưa thể quên vụ việc “Cái chết thảm bên gốc cà phê” năm 2010 khi bà Phạm Thị Ngắn (55 tuổi, ở buôn H’drát, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) vào trang trại để mót quả cà phê đã bị đàn chó Bergie nhảy vào cắn xé đến chết! Cũng vào thời điểm này, em Lê Thị Trang (10 tuổi), học lớp 4 trường Tiểu học Triêu Dương, Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã bị 2 con chó Bergie nhà hàng xóm tấn công cho đến khi nằm bất động. Lê Thị Trang Trang nhập viện trong tình trạng mất máu nhiều, tính mạng nguy kịch, quần áo trên cơ thể bị rách nát, da đầu bị lột trơ xương sọ, gãy xương mũi, vết chó cắn, cào khắp cơ thể…

Quản lý như thế nào?

Một khía cạnh khác của vấn đề đó là nguồn gốc xuất xứ của những dòng chó phương Tây xuất hiện rất nhiều tại Việt Nam. Bên cạnh những con chó được “nhập khẩu chính ngạch” theo đúng quy định tại Pháp lệnh Thú y đã quy định động vật nhập khẩu vào Việt Nam phải được cơ quan thú y quốc gia nước xuất khẩu cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch với nội dung: động vật khỏe mạnh, xuất xứ từ vùng an toàn dịch bệnh, đã tiêm phòng hoặc đã thực hiện biện pháp phòng ngừa khác. Việc vận chuyển các động vật nuôi có thể thực hiện qua đường hàng không, đường thủy và phải theo đúng quy định an toàn vận chuyển của các loại hình phương tiện này; thì cũng có không ít giống chó được người dân nuôi không rõ nguồn gốc. Trên các diễn đàn động vật, giới chơi khuyển thường truyền tai nhau rằng những nguồn chó “ngoại” vẫn âm thầm được tuồn vào Việt Nam với hình thức “3 không”: không lệ phí, không thủ tục hải quan, không kiểm tra giấy phép” qua con đường… thong dong có người dắt đi xuyên qua biên giới. Đây cũng là một vấn đề mà các cơ quan chức năng cần có biện pháp để kiềm tra gắt gao những chú chó đắt tiền được nhập lậu ngày một nhiều vào Việt Nam.

Trở lại với sự việc bé gái 4 tuổi Ayen Chol chết vì bị chó cắn tại TP Melbourne; chính quyền bang Victoria đã đưa những điều luật mà theo đó chủ sở hữu những con chó gây chết người có thể sẽ bị kết án tù lên đến 10 năm. Bộ trưởng Nông nghiệp bang Victoria, Peter Walsh khẳng định người sở hữu giống chó nguy hiểm sẽ bị phạt tù nếu con vật của họ đe dọa đến tính mạng hoặc làm chết người. Hình phạt đối với chủ sở hữu chó cắn chết người tương đương với tội lái xe gây chết người. Tại Việt Nam, từ những sự việc đã xảy ra, cùng với xu hướng nuôi chó dữ ngày một gia tăng, có lẽ chúng ta cần phải siết chặt công tác quản lý việc nuôi loài vật này. Cần có những quy định của pháp luật để điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo và các vật nuôi khác. Đặc biệt là các loại thú vật hung dữ. Trên thực tế có rất nhiều giống chó khác nhau với các đặc điểm về hình thể cũng như tính cách khác nhau, được nuôi vì những mục đích khác nhau.

Vì vậy việc nuôi những giống chó dữ như Bergie, Pit Bull… hoàn toàn khác với việc nuôi giống chó Nhật, Chihuahua… để làm cảnh. Theo Thông tư hướng dẫn số 48/2009/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT, việc quản lý chó nuôi được quy định như sau: “Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải đeo rọ mõm (đối với con dữ)…”. Quy định này tưởng chừng rất rõ ràng để buộc chủ nuôi chó phải áp dụng tối đa các biện pháp có thể để ngăn ngừa việc chó dữ cắn người; nhưng thực tế những con chó từ to đến nhỏ, từ dữ đến chó cảnh vẫn ngang nhiên chạy nhông nhông ra đường không hề đeo rọ mõm mà cũng không hề bị xử lý.

 Bộ luật Dân sự có quy định thú dữ là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ, trong trường hợp có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu phải bồi thường, kể cả khi không có lỗi (Theo quy định tại khoản 1, điều 623 Bộ luật Dân sự); thế nhưng từ góc độ nhân văn, chúng ta đều hiểu rằng việc bồi thường số tiền dù nhiều đến đâu cũng không thể nào bù đắp được nếu thiệt hại đến tính mạng con người. Trong một xã hội dân sự văn minh, sức khỏe và tính mạng con người luôn phải được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chuyện nuôi chó dữ đang là một thực tế ở Việt Nam và cần được các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt là đối với các loài khuyển có khả năng hóa “ác thú” tấn công và gây chết người. Cần có những quy định pháp luật điều chỉnh và ràng buộc trách nhiệm với những chủ sở hữu những con vật nguy hiểm. Trong trường hợp cần thiết cần phải xem xét trách nhiệm hình sự nếu như người nuôi chó dữ cố tình không tuân thủ các quy định an toàn trong việc nuôi nhốt chó để xảy ra nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.