Chớ “bóp méo” giá

ANTĐ - Đi theo nền kinh tế thị trường, điều đầu tiên phải nói đến là quản lý theo quy luật thị trường, trong đó Luật Giá được coi là “chìa khóa” để điều tiết, “đóng mở” thị trường. Kỳ họp Quốc hội lần này, lần đầu tiên Luật Giá được đưa ra để các đại biểu thảo luận, đóng góp ý kiến và hoàn thiện. Trong khi đó, Malaysia đã ban hành Luật Kiểm soát giá cả từ năm 1946, Singapore có Luật Quản lý giá từ năm 1950, Trung Quốc ban hành Luật Giá cả năm 1998, Brunei có Luật Quản lý giá năm 1974. Việt Nam đi sau cùng, chậm nhưng liệu có chắc chắn và rút được kinh nghiệm người đi trước không?

Xưa nay, giá - lương - tiền luôn là mối quan tâm sát sườn của mọi người dân. Một nền kinh tế ổn định vững chắc, một cuộc sống ổn định và bình yên dường như được đặt trên “nền móng” bền chắc của giá - lương - tiền ổn định, không bị chao đảo, ngả nghiêng trước những “cơn sóng” lạm phát hoặc suy thoái. Cũng có thể nói, giá - lương - tiền là “thước đo” khá chuẩn xác và trung thực của một nền kinh tế. Gần dân, sát dân nắm được những tâm tư, nguyện vọng và bức xúc của nhân dân, các đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những yếu kém trong quản lý, điều hành giá cả.

Dẫn lại chuyện giá thịt lợn từ người chăn nuôi bán ra đến tay người tiêu dùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, chi phí trung gian tăng lên quá cao như vậy là khó chấp nhận trong nền kinh tế thị trường. Trong trường hợp này thì vai trò quản lý của Nhà nước ở đâu khi mà chúng ta luôn nói là điều hành giá cả theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước? Chỉ ra một yếu kém “triền miên” trong quản lý, điều hành giá, theo đại biểu này là công tác thống kê, dự báo. Đơn cử, các cơ quan chức năng năm nào cũng loay hoay với những quyết định cho nhập khẩu đường hay không cho, cho nhập khẩu phân bón, muối, thịt lợn hay không cho nhập khẩu…

Tất cả là do thống kê dự báo thị trường, giá cả và nhu cầu kém chính xác. Hệ lụy của sự “loay hoay”, bị động là có những lúc quyết định cho phép nhập khẩu một số mặt hàng, song chẳng có tác dụng gì trong việc bình ổn thị trường, giá cả, ngược lại chỉ bóp nghẹt sản xuất trong nước. Còn có thể dẫn ra hàng loạt bằng chứng cho thấy, giá cả trong thời gian qua có nhiều biến động, nhưng chủ yếu là do yếu kém về quản lý. Đó là ý kiến nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội. Các đại biểu cũng chỉ rõ rằng, giá cả biến động là vì phải chịu ba “ức chế”. Một là do tình trạng đầu cơ thái quá, hai là do sự can thiệp không phù hợp của Nhà nước trong một số thời điểm. Cuối cùng là do hệ thống phân phối bị “tắc nghẽn” như giao thông.

Chính ba “ức chế” này đã làm cho giá cả bị “méo mó”. Muốn giải quyết sự “méo mó”, dứt khoát phải giải quyết được mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Có nghĩa là nhà nước bình ổn giá nhưng phải làm cho thị trường nhiều hơn, chứ không phải làm cho nhà nước nhiều hơn. Để giá cả không lặp lại tình trạng “bất kham”, Luật Giá cần phải xác định rõ khi nào Nhà nước can thiệp vào thị trường và bằng cách nào. Ngay cả những loại hàng hóa độc quyền, cũng cần xác định rõ hai loại: độc quyền tự nhiên và độc quyền nhà nước. Luật Giá phải hướng tới mục đích làm sao từng bước kiểm soát được độc quyền tự nhiên vì đây chính là rào cản chống lại sự vận hành của nền kinh tế thị trường mà nước ta đang gắng sức theo đuổi.

Theo nhận định của một số đại biểu Quốc hội, giá cả những năm qua tăng và biến động bất thường; lạm phát có nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố quan trọng là do quản lý giá chưa tốt, chồng chéo giữa Bộ Tài chính, Công thương và UBND các địa phương. Luật Giá ra đời sẽ chấm dứt tình trạng “bóp méo” giá cả, bàn tay quản lý của nhà nước chắc chắn sẽ “xoa tròn” những méo mó bất hợp lý.