Chớ bao giờ trộm cắp nghe con

ANTĐ - Tất cả chúng ta không ai là toàn vẹn cả, nhưng không phải ai sinh ra cũng là một kẻ trộm cắp...

Định nghĩa một cách đơn giản, người nào lấy trộm đồ vật không thuộc về mình, người đó là kẻ trộm cắp. Một thực tế là chẳng ai ưa gì kẻ trộm cắp, kể cả người mất trộm lẫn người không mất trộm.

Một kẻ trộm cắp có thể được sinh ra từ một gia đình đàng hoàng, trong đó không có ai là tội phạm. Chính lòng ham muốn những thứ như tiền bạc và những gì tiền bạc có thể mua được đã khiến người ấy trở thành một kẻ trộm cắp, dẫu cha mẹ hay chị em họ đều là người lương thiện.

Trộm cắp là một thói xấu của người Việt

Có những cung bậc của sự ham muốn khiến một kẻ vốn là người lương thiện cũng bỗng dưng ăn cắp. Ví dụ đồ vật đó dễ lấy quá; đồ vật đó mình thích quá; người kia giàu quá, mất đi một chút chẳng sao…

Ham muốn những thứ không thuộc về mình một lúc nào đó có thể trở nên mạnh mẽ đến độ khiến cho ngay cả người tốt cũng làm những điều xấu. Điều đó lý giải vì sao có cô Biên tập viên truyền hình khả ái và giàu có nhưng lại ăn trộm đồ gì đó trong siêu thị tận bên nước ngoài. Điều đó lý giải vì sao đứa con nhỏ ngoan ngoãn trong gia đình lại năm lần bảy lượt thó tiền trong ví bố mẹ, mặc dù bố mẹ chẳng để con thiếu thốn gì. Điều nguy hiểm là nhiều người chỉ ăn cắp một vài lần rồi tự thấy xấu hổ với lương tâm và không tái phạm; nhưng phần lớn sau khi ăn cắp một đôi lần thành công lại không bao giờ ăn năn và làm điều tốt trở lại. 

Những người theo đạo thường hay kể chuyện về một trong 12 sứ đồ của Chúa Giê-su, tên là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Chúa và các sứ đồ đi chung với nhau. Họ ăn chung. Và tất cả tiền bạc họ có đều được cất giữ trong một cái hộp. Chúa Giê-su giao cái hộp đó cho Giu-đa giữ. Dĩ nhiên, số tiền không phải của Giu-đa. 

Giu-đa bắt đầu lấy tiền trong hộp mà lẽ ra không được quyền lấy. Ông lấy tiền khi không ai thấy, và ông còn cố tìm cách lấy thêm nữa. Ông ta bắt đầu luôn nghĩ đến tiền bạc, muốn kiếm được thật nhiều tiền.

Rồi vì một lần Chúa Giê-su ngăn một việc khiến cho hộp tiền không dày thêm như Giu-đa mong muốn, ông đi đến gặp các thầy tế lễ vốn thù nghịch với Chúa Giê-su. Giu-đa nói: "Tôi sẽ cho các ông biết làm sao có thể bắt Chúa Giê-su nếu các ông cho tôi tiền. Các ông sẽ cho tôi bao nhiêu?"

Các thầy tế lễ trả lời: "Chúng ta sẽ cho ngươi ba mươi miếng bạc". Giu-đa nhận lấy tiền. Và ông bán Chúa cho những kẻ kia! Giu-đa phản Chúa là thế!

Khi một người trở thành kẻ trộm và ăn cắp tiền thì thường dẫn đến hành động này. Hắn yêu tiền hơn là yêu người khác hoặc hơn cả Đức Chúa Trời.

Tại sao một người có thể bị cám dỗ bởi ăn cắp? Bởi vì người đó muốn một vật không phải là của mình, muốn có đồ mình thích mà không phải làm việc, không phải lao động nỗ lực. Cho dù người khác không thấy hành vi đó, nhưng có ai thấy? Có trời thấy, đất thấy, lương tâm của bản thân mình thấy!

Và rõ ràng chính người đó cũng hiểu, ăn cắp là sai.