Chính trường Mỹ chuyển sang trang mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
ANTD.VN - Nước Mỹ chính thức có Tổng thống mới - Joe Biden, thay thế cho ông Donald Trump. Trong bối cảnh xứ cờ hoa vẫn đang chứa đựng nguy cơ bất ổn chính trường, đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, lễ nhậm chức của ông Joe Biden là một trong những lễ nhậm chức Tổng thống đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ.
Quang cảnh Điện Capitol Mỹ vào cuối ngày 19-1, khi công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đời thứ 46 của nước Mỹ Joe Biden đã hoàn tất tại Thủ đô Washington D.C

Quang cảnh Điện Capitol Mỹ vào cuối ngày 19-1, khi công tác chuẩn bị cho lễ nhậm chức của Tổng thống đời thứ 46 của nước Mỹ Joe Biden đã hoàn tất tại Thủ đô Washington D.C

Tổng thống cũ không dự, người dân theo dõi lễ nhậm chức tại nhà

Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ lần thứ 46 diễn ra vào 11h30 ngày 20-1 (tức 23h30 khuya 20-1 theo giờ Việt Nam) ở bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ. Kể từ khi xảy ra vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội hôm 6-1-2021, giới chức an ninh Mỹ đã lên kế hoạch ngăn chặn mọi rủi ro an ninh. Phần lớn hoạt động giao thông bị cấm ở khu vực trung tâm Thủ đô Washington D.C. Nhà Trắng, tòa nhà Quốc hội cùng những tòa nhà Chính phủ khác đều được dựng rào chắn trong lúc hơn 25.000 thành viên Vệ binh Quốc gia được triển khai bảo vệ an ninh.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, quy mô buổi lễ nhậm chức của ông Joe Biden bị cắt giảm đáng kể. Chỉ có khoảng 1.000 người được tham dự buổi lễ, đa phần là các quan chức, nghị sĩ và khách mời. Tất cả đều phải tuân thủ nghiêm các quy tắc chống dịch và đeo khẩu trang. Người dân nước Mỹ được khuyến cáo theo dõi lễ nhậm chức trên truyền hình, không tụ tập gần nơi tổ chức gây bất ổn an ninh cũng như dễ lây lan dịch bệnh.

Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của lễ nhậm thức Tổng thống Mỹ lần này là sự vắng mặt của Tổng thống mãn nhiệm. Theo thông lệ, Tổng thống mãn nhiệm và các cựu Tổng thống khác ngồi phía sau tân Tổng thống, tượng trưng cho việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Sau khi tân Tổng thống hoàn thành bài phát biểu nhậm chức, sẽ thực hiện nghi thức tiễn người tiền nhiệm lên trực thăng rời Thủ đô.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump không tới dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden, mà rời Nhà Trắng vào sáng 20-1 (theo giờ địa phương) và dự lễ chia tay tại căn cứ không quân Andrews gần Thủ đô Washington D.C. Phó Tổng thống Mike Pence là đại diện cấp cao nhất của chính quyền mãn nhiệm đến dự buổi tuyên thệ của Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.

Hành trình hàn gắn nước Mỹ bắt đầu

Tại lễ nhậm chức của mình, ông Joe Biden có bài diễn văn quan trọng mang chủ đề “America United” (Nước Mỹ đoàn kết), công bố chương trình nghị sự sắp tới và làm rõ tầm nhìn lãnh đạo của ông đối với cộng đồng quốc tế. Trong bài diễn văn của mình, ông Joe Biden thể hiện rõ quyết tâm “Đánh bại đại dịch - Xây dựng đất nước tốt đẹp trở lại và Hàn gắn chia rẽ quốc gia”. Theo tuyên bố mà Ủy ban Nhậm chức Tổng thống (PIC), chủ đề bài diễn văn của ông Joe Biden “phản ánh sự khởi đầu của một hành trình quốc gia mới nhằm tìm lại linh hồn nước Mỹ, gắn kết đất nước và vạch ra con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn”.

Vấn đề đoàn kết đất nước đã định hình chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden ngay từ đầu. Ông Joe Biden nhiều lần khẳng định đây là một trong những ưu tiên hàng đầu sau khi bước chân vào Nhà Trắng. Song phạm vi và mức độ cấp bách của thách thức này đối với ông Joe Biden càng trở nên rõ ràng hơn, sau khi xảy ra vụ nổi loạn có vũ trang tại Điện Capitol. “Lễ nhậm chức này đánh dấu một chương mới đối với người dân Mỹ - chương của sự hàn gắn, của sự gắn kết, của sự xích lại gần nhau, của một nước Mỹ đoàn kết. Đã đến lúc lật qua trang về thời kỳ chia rẽ này” - Giám đốc Điều hành PIC Tony Allen phát biểu.

Một số nhà quan sát lạc quan cho rằng, ông Joe Biden là nhà lãnh đạo lý tưởng trong hoàn cảnh chính trường nước Mỹ hiện nay, với kinh nghiệm dày dạn ở Thượng viện và khả năng thuyết phục lưỡng đảng của ông. “Đã lâu rồi chúng ta mới có một Tổng thống Mỹ ở lâu và đi sâu trong giới lập pháp như Joe Biden” - ông Elaine Kamarck, nhà nghiên cứu cao cấp về khoa học quản trị tại Viện Brookings (Mỹ) nhận định.

“Lễ nhậm chức này đánh dấu một chương mới đối với người dân Mỹ - chương của sự hàn gắn, của sự gắn kết, của sự xích lại gần nhau, của một nước Mỹ đoàn kết. Đã đến lúc lật qua trang về thời kỳ chia rẽ này”.

Tony Allen (Giám đốc Điều hành Ủy ban Nhậm chức Tổng thống - PIC)

“Đã lâu rồi chúng ta mới có một Tổng thống Mỹ ở lâu và đi sâu trong giới lập pháp như Joe Biden”.

Elaine Kamarck (Nhà nghiên cứu cao cấp về khoa học quản trị tại Viện Brookings, Mỹ)