Zika tái xuất đúng mùa dịch sốt xuất huyết

ANTD.VN - Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh tại Tây Nguyên và bước vào mùa cao điểm trên cả nước thì dịch Zika lại tái xuất với một ca mắc tại Phú Yên sau hơn 3 tháng không có diễn biến mới. Đáng chú ý, từ đường lây cho đến triệu chứng, biểu hiện của bệnh Zika và SXH đều rất giống nhau, vật chủng truyền bệnh đều là loài muỗi vằn, do đó nguy cơ bùng phát dịch thời điểm này rất lớn. 

Zika tái xuất đúng mùa dịch sốt xuất huyết ảnh 1Đoàn Cục Y tế dự phòng hướng dẫn người dân diệt bọ gậy phòng SXH và Zika

Ca mắc Zika mới nhất

Như ANTĐ đã đưa tin, ngày 3-8, Cục Y tế dự phòng -  Bộ Y tế xác nhận, tại Phú Yên đã ghi nhận một trường hợp nhiễm virus Zika (gây hội chứng đầu nhỏ) sau hơn 3 tháng không ghi nhận ca bệnh trên cả nước. Bệnh nhân là D.Đ.T. (27 tuổi, ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), có biểu hiện bệnh từ ngày 27-6 với triệu chứng sốt, đau cơ, đau khớp, sau đó xuất hiện thêm ban đỏ dạng chấm toàn thân.

Ngày 30-6, bệnh nhân D.Đ.T đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sơn Hòa, được các bác sĩ nghi ngờ mắc SXH  nên đã lấy mẫu máu gửi xét nghiệm song kết quả âm tính với SXH. Đến ngày 28-7, Viện Pasteur Nha Trang kết luận mẫu máu của bệnh nhân dương tính với virus Zika. Đây là trường hợp mắc Zika thứ ba tại Việt Nam và là trường hợp đầu tiên được ghi nhận sau 2 ca mắc vào đầu tháng 4-2016.

Giải đáp câu hỏi về đường lây truyền bệnh Zika cho bệnh nhân D.Đ.T, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: “Bệnh nhân D.Đ.T không phải đi về từ vùng dịch mà nguồn nhiễm bệnh ở trong nước”. PGS.TS Trần Đắc Phu phân tích, trước đây Việt Nam đã có 2 trường hợp nhiễm virus Zika, có nghĩa loại virus này đã lưu hành trong nước và vì vậy, người dân trong nước có thể mắc bệnh do virus Zika được lây truyền thông qua loại muỗi trung gian truyền bệnh chứ không cứ phải đến các nước đang có ổ dịch trở về mới bị lây bệnh.

Tiếp tục trả lời câu hỏi Viện Pasteur Nha Trang có kết luận bệnh nhân dương tính với virus Zika từ 28-7 nhưng đến ngày 3-8 Cục Y tế Dự phòng mới công bố ca bệnh thì được ông Phu cho biết, sau khi có kết quả của Viện Pasteur Nha Trang, Cục phải tiến hành xét nghiệm nhiều lần để đảm bảo chính xác.

Tính từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trên cả nước đã lấy 2.405 mẫu xét nghiệm virus Zika (6 mẫu lấy từ người đi từ vùng dịch, 14 mẫu lấy từ phụ nữ mang thai nghi nhiễm virus Zika), kết quả 2.380 mẫu đã xét nghiệm virus Zika có 3 mẫu dương tính với virus Zika, 25 mẫu khác đang xét nghiệm.

Điều đáng lo ngại là vật chủng truyền bệnh Zika lại chính là loài muỗi vằn truyền bệnh SXH dengue, vì thế nguy cơ dịch lan rộng, bùng phát trong bối cảnh dịch SXH đang bùng phát mạnh hiện nay được nhận định lớn hơn nhiều so với thời điểm ghi nhận 2 ca Zika đầu tiên hồi tháng 4 vừa qua. Hơn nữa, hiện cả nước đang vào mùa mưa, mùa muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển mạnh nhất trong năm. Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là ngăn muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng)… để phòng cùng lúc cả 2 dịch bệnh SXH và Zika.

Cẩn trọng nhưng không hoang mang

Một vấn đề đáng lo ngại khác là biểu hiện, triệu chứng của bệnh Zika rất giống với SXH nên ngay cả bác sĩ cũng khó có thể chẩn đoán chính xác bằng lâm sàng, còn người dân thì dễ nhầm lẫn 2 loại bệnh này. Với trường hợp mới nhất mắc Zika tại Phú Yên, bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH nhưng mẫu bệnh phẩm lại âm tính với SXH và sau khi bệnh nhân xuất viện thì mới có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với Zika. Trường hợp này bệnh diễn tiến nhẹ nên sớm điều trị khỏi song nó cũng khiến dư luận khá hoang mang trước diễn biến của loại dịch bệnh nguy hiểm có thể gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, việc người dân hoang mang, lo lắng khi Việt Nam lại xuất hiện ca nhiễm virus Zika mới là khó tránh khỏi. “Rất may mắn, kết quả giải trình tự gene từ các Viện nghiên cứu cho thấy chủng virus Zika đang lưu hành tại châu Á, trong đó có Việt Nam không dễ lây lan và ít gây nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ như chủng virus Zika lưu hành tại châu Mỹ. Vì thế, người dân cũng không nên quá lo lắng”, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết.

Với tính chất của bệnh nên đến thời điểm này, Bộ Y tế vẫn không đề xuất việc hạn chế đi lại của người dân giữa các khu vực và địa phương. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người đi-đến-về từ vùng có dịch bệnh do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày, nếu có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị.

Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo phụ nữ đang trong lứa tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai (nhất là trong 3 tháng đầu) càng phải thận trọng, phòng ngừa nguy cơ muỗi đốt truyền virus Zika có thể gây rủi ro cho sức khỏe thai nhi. Bộ Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur và các trung tâm y tế tại địa phương tăng cường công tác giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm để sớm phát hiện các ca bệnh ở cộng đồng, đồng thời chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, phát hiện sớm nguy cơ hội chứng đầu nhỏ trên toàn quốc.