Xuất cảnh trái phép để bán sức lao động

ANTĐ - Là một huyện miền núi với hơn 70% người dân tộc, đời sống còn nhiều khó khăn, lao động dư thừa nhiều nên từ năm 2012 đến nay, mỗi năm  tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ có hàng trăm lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để tìm việc làm.

Lực lượng Công an Trung Quốc bàn giao lao động nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc cho lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam

Các chủ dắt mối về tận địa phương 

Anh N.C.S - một nạn nhân của đường dây đưa người đi lao động “chui” ở Trung Quốc cho biết: “Thanh niên sức dài vai rộng nhưng lại thiếu công ăn việc làm. Cái nghèo, cái đói cứ bám vào mỗi gia đình khiến ai cũng cảm thấy bế tắc. Đúng lúc ấy, có mấy người quen đi lao động ở Trung Quốc về nói chuyện, bảo rằng chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là chủ lo hết cho mình từ đi lại, ăn uống sang đến nơi làm việc.

Ai không có tiền thì họ cho nợ, làm có lương thì sẽ trừ dần. Thủ tục đơn giản lắm, chẳng cần làm hộ chiếu, giấy khám sức khỏe, không cần học tiếng mà vẫn đi được nước ngoài làm việc. Các chủ dắt mối về tận địa phương, cam đoan lương bên đó trả cả chục triệu đồng/tháng, công việc lại nhẹ nhàng, làm trong xưởng sản xuất an toàn, đi bao lâu, về lúc nào thì tùy ý của mỗi người”.

“Vậy tội gì mà không đi, trong khi ở nhà không có việc mà làm?” - câu hỏi đơn giản ấy đã khiến phong trào đi lao động “chui” ở Trung Quốc tại  Yên Lập diễn ra ngày càng rầm rộ, đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2012-2014, ai còn sức lao động là đều xuất cảnh trái phép để làm thuê. 

Phiên tòa xét xử các đối tượng tổ chức đưa người đi xuất cảnh trái phép

Để đối phó lực lượng chức năng, những người tổ chức xuất cảnh lao động trái phép không thuê xe chở từng đoàn người đi biên giới, mà chia nhỏ thành từng nhóm 3-5 người, đón xe khách đi lên gần biên giới, tập hợp lại một điểm, rồi mới đưa qua biên giới. Sau đó, số lao động này sẽ được những người khác đưa đến tận nơi làm việc, vì tất cả công việc, nơi ăn, chốn ngủ đã được thỏa thuận với chủ các cơ sở  từ trước…

Đại tá Đào Văn Lý, Trưởng CAH Yên Lập cho biết: “Những đối tượng ở địa phương có nhiệm vụ lôi kéo những lao động thiếu hiểu biết và không có công ăn việc làm. Chúng vẽ ra một môi trường làm việc hấp dẫn, rồi tổ chức cho người lao động đi dưới dạng nhỏ lẻ theo từng chuyến từ 3-5 người.

Sau khi tập hợp gần biên giới, chúng đưa người lao động sang Trung Quốc bằng đường mòn Chi Ma (Lạng Sơn), đường sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh). Thời điểm đưa sang cũng là buổi đêm, thường là sau 19h nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện.

Hệ lụy của nạn xuất cảnh lao động “chui”

“Tình hình xuất cảnh trái phép đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng vì hành vi này vi phạm luật pháp của cả Việt Nam và Trung Quốc” - Đại tá Đào Văn Lý đánh giá. Lợi dụng tình trạng này, các hoạt động tội phạm như bắt cóc, tống tiền, buôn bán phụ nữ, trẻ em, ma túy, cướp giật, trấn lột, tệ  nạn xã hội… diễn ra ngày càng phức tạp, gây mất an ninh dọc miền biên giới.

Nhiều trường hợp trở về mắc nghiện ma túy, cờ bạc, tệ nạn xã hội, mang theo dùi cui điện, dao, côn... có hành vi côn đồ. Đặc biệt nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép bị lừa bán vào các ổ mại dâm, bị ép lấy chồng Trung Quốc, bị bắt cóc tống tiền, cưỡng đoạt, ngược đãi, bạo hành, cá biệt có trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân gây hoang mang dư luận. Điển hình, năm 2012, chị Nguyễn Thị Mùi, trú tại xã Lương Sơn, huyện Yên Lập đi xuất cảnh lao động trái phép đã tử vong không rõ nguyên nhân tại Trung Quốc. Đau đớn hơn, chị còn không được thanh toán bất cứ khoản phí hỗ trợ nào vì là lao động bất hợp pháp. 

Chỉ huy CAH Yên Lập cũng cho biết, ở Yên Lập, công dân xuất cảnh trái phép hầu hết là lao động chủ lực. Khi họ xuất cảnh trái phép đã gây nên sự thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhiều người xuất cảnh là cha, mẹ nên không chăm sóc tốt cho gia đình, con cái không có người quản lí giáo dục ảnh hưởng đến việc học hành, có trường hợp vi phạm pháp luật.

Một thực tế đáng buồn nữa là hầu hết công dân xuất cảnh trái phép cuộc sống gặp thêm nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất. Nhiều trường hợp do phải vay nợ để đi, khi trở về phải bán cả nhà để trả nợ. Đối tượng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc thường phải làm việc trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, bệnh tật hoành hành, thu nhập thấp do bị trừ vào các khoản tiền vô lí, bị chủ quỵt tiền công, bị bắt phạt, bị trấn lột, cướp giật, mắc tệ nạn xã hội mà điều kiện chăm sóc sức khỏe, quyền lợi bản thân không được bảo vệ.

Tích cực đấu tranh, ngăn chặn

Trước sự hoành hành của “nạn dịch” xuất cảnh trái phép đi lao động ở nước ngoài, CAH Yên Lập đã từng bước cùng với chính quyền địa phương ngăn chặn tình trạng này. Yên Lập đã xác định rõ, người lao động có nhu cầu giải quyết việc làm và mong muốn có thu nhập cao là nguyện vọng chính đáng.

Tuy nhiên, việc xuất cảnh ra nước ngoài trái phép để tìm kiếm việc làm với nhiều nguy hiểm và rủi ro thì phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời. CAH Yên Lập đã tìm ra nguyên nhân của nạn xuất cảnh trái phép đi lao động là tình trạng thiếu việc làm, đời sống khó khăn và thiếu thông tin về thực tế lao động tại Trung Quốc dẫn đến một bộ phận người dân mắc lừa “cò lao động”.

Từ những nguyên nhân này, CAH Yên Lập đã lên kế hoạch, một mặt làm tốt công tác tuyên truyền, tham mưu với chính quyền địa phương tìm cách tạo thêm việc làm cho người lao động bên cạnh nghề nông truyền thống, mặt khác xử lý các đối tượng cầm đầu các đường dây tổ chức cho người dân đi xuất cảnh trái phép. 

CAH đã đến từng xã tuyên truyền về pháp luật, các văn bản có liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh, chế tài xử lý xuất nhập cảnh trái phép... Mở nhiều hội nghị trực tuyến, mời trực tiếp các nhân chứng cụ thể nói về hậu quả của việc xuất cảnh trái phép. Cùng với đó đã làm tốt công tác nắm chắc địa bàn, quản lí chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu di biến động; các địa phương đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tích cực đấu tranh làm rõ các hành vi dụ dỗ, mua chuộc lôi kéo người xuất cảnh trái phép đưa đối tượng môi giới, cầm đầu ra xét xử. 

Mới đây, CAH Yên Lập đã đấu tranh làm rõ đối tượng Đinh Văn Cẩn, xã Đá Bàn, huyện Yên Lập đã tổ chức cho 20 người xuất cảnh trái phép đi Trung Quốc lao động thuê. Cần khai do có chị gái là Đinh Thị Hương hiện lấy chồng và sinh sống tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gọi điện về bảo tại nơi Hương sinh sống đang vào vụ thu hoạch mía và được trả lương khoảng 6 triệu đồng/tháng nên đã rủ 13 người ở Yên Lập và 7 người ở Thanh Sơn, Phú Thọ đi làm thuê.

Cần đã thu của mỗi người 3 triệu đồng tiền chi phí đi đường từ Hà Nội đến nơi lao động. Sau khi dẫn nhóm người qua đường tiểu ngạch, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc và đến bãi mía, làm việc tại đây khoảng 5 ngày, Cần lại tiếp tục đưa cả nhóm người vào sâu trong nội địa và làm việc tại một xưởng dệt với mức lương 2.700 nhân dân tệ (tương đương khoảng 8 triệu đồng tiền Việt Nam). Sau 45 ngày lao động bất hợp pháp tại đây, cả nhóm đã bị Công an Trung Quốc bắt, giam giữ vì nhập cảnh trái phép vào Trung Quốc.

Nhờ đấu tranh mạnh mẽ với các đối tượng này mà từ năm 2015 đến nay, tình trạng xuất cảnh trái phép của người dân huyện Yên Lập đã giảm hẳn. “Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan với sự thay đổi này. Các đội nghiệp vụ vẫn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân; phối hợp với phòng nghiệp vụ công an tỉnh thường xuyên trao đổi, nắm tình hình, phát hiện xử lý các trường hợp công dân xuất nhập cảnh trái phép; điều tra làm rõ các đường dây tổ chức đưa lao động xuất cảnh trái phép, đưa các đối tượng cầm đầu ra xử lý trước pháp luật” - Đại tá Đào Văn Lý khẳng định.