"Xử phạt hay thu thuế 45% giá trị tài sản bất minh thì... dễ dãi quá"

ANTD.VN - Một số ĐBQH cho rằng, nếu quy định thu thuế 45% hay xử phạt hành chính 45% với tài sản không giải trình được một cách hợp lý như dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là cách tiếp cận dễ dãi, chưa kể có thể làm thất thoát 55% tài sản tham nhũng còn lại…

ĐBQH Hoàng Thanh Tùng

Chiều nay, 31-5, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. 

Thảo luận tại tổ 10, ĐB Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nội dung “nóng” nhất và cũng còn nhiều ý kiến nhất trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) được trình ra Quốc hội kỳ này chính là quy định về xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý với tài sản tăng thêm.

Cụ thể, Chính phủ trình ra 2 phương án. Phương án 1 là những trường hợp được kết luận có tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản đã kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm thì bị thu thuế thu nhập cá nhân bằng 45% giá trị tài sản đó. Phương án 2 là xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Theo ĐB Tùng, cả 2 phương án có hình thức thực hiện khác nhau nhưng đều là thủ tục hành chính và đều mang lại kết quả chung là thu về 45% giá trị tài sản không chứng minh được hoặc không giải trình được một cách hợp lý. Cách tiếp cận này là “hơi dễ cho Nhà nước” mà chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân – một quyền được Hiến định.

“Tôi cho rằng, phải xử lý rất nghiêm đối với các tài sản do tham nhũng mà có. Song không thể nào xử lý một cách đơn giản bằng cách quy tất cả tài sản kê khai không trung thực hoặc không giải trình được hợp lý thành tài sản như tài sản tham nhũng hay tài sản do phạm tội mà có để áp dụng các biện pháp theo kiểu dễ dàng như 2 phương án đề xuất trên” – ĐB Hoàng Thanh Tùng nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích thêm, đối với tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý thì  cách xử lý cần đáp ứng hài hòa 2 mối quan hệ. Một mặt phải xử lý nghiêm, tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có. Mặt khác phải thể hiện sự tôn trọng thỏa đáng đối với quyền sở hữu tài sản của công dân.

“Chưa kể, nếu chúng ta tiếp cận theo cách thức này thì vô tình chung, nếu tài sản đó đúng là tài sản do tham nhũng hoặc phạm tội mà có thì chúng ta chỉ thu được 45% giá trị tài sản, 55% còn lại có thể sẽ được hợp thức hóa thông qua hình thức thu thuế. Rồi thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý…” – ĐB Tùng băn khoăn.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi: “Về quy định đánh thuế 45% với tài sản không giải trình rõ nguồn gốc, tôi không hiểu căn cứ đâu đưa ra con số 45%, sao không tính như thuế thu nhập cá nhân? Đưa ra mức 45%, tôi thấy lập luận hơi yếu”.