Xử lý tội phạm về môi trường: Cần tăng nặng và bổ sung các hình phạt

ANTĐ - Mặc dù Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định cụ thể 11 tội danh về tội phạm môi trường. Theo đó, mức phạt tiền tại các tội danh này đã tăng lên. Tuy vậy, việc xử lý tội phạm môi trường vẫn còn nhiều khó khăn và phức tạp… 

Đó là nhận định của ông Lê Phong - chuyên viên Bộ Tư pháp. Cũng theo ông Lê Phong, BLHS sửa đổi 2009 đã có nhiều điểm mới đáng chú ý, đặc biệt là sự phân nhóm các tội danh, cụ thể hóa, tăng nặng và bổ sung các hình phạt trong Chương XVII - Các tội phạm môi trường. Bộ luật đã hợp nhất 3 tội gây ô nhiễm môi trường (không khí, nguồn nước và đất) thành một tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182); Sửa đổi tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không bảo đảm tiêu chuẩn bảo vệ môi trường thành tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185); Bổ sung 3 tội mới liên quan đến tội phạm môi trường (Điều 182a - Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 182b - Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; Điều 191a - Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại). 

Bên cạnh đó, BLHS sửa đổi còn phân chia rõ các nhóm tội danh, cụ thể hóa, bổ sung và nâng mức hình phạt: Mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền với tư cách là hình phạt chính tại 10/11 điều luật; Hình phạt cải tạo không giam giữ được quy định với tư cách là hình phạt chính ở 10/11 điều luật quy định về nhóm tội phạm môi trường. Để tăng cường tính răn đe, hầu hết các tội danh của chương này đều quy định mức phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm. Riêng tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Điều 186) thì hình phạt tù có thể từ 1-12 năm và mức phạt tù tối đa với tội hủy hoại rừng (Điều 189) có thể lên tới 15 năm. 

Tuy vậy, số vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý hình sự vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân do tội phạm về môi trường ngày càng tinh vi và sự bất cập trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, số lượng văn bản hướng dẫn thi hành BLHS về tội phạm môi trường còn thiếu. Một số khái niệm “nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả lớn…” được đưa ra rất chung chung nên rất khó áp dụng. Ngoài ra, việc BLHS chưa quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cũng là lý do dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc không xử lý được. Mặt khác, sự thiếu thốn, lạc hậu về phương tiện, trang thiết bị điều tra tội phạm, đội ngũ cán bộ điều tra chủ yếu được đào tạo về pháp luật mà chưa có những kiến thức về môi trường… là những tồn tại gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc xác minh, phát hiện những vụ việc vi phạm về môi trường có tính chất phức tạp…