Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

“Xử lý nghiêm tiêu cực, lấy lại niềm tin của nhân dân“

ANTĐ - Chiều 6-12, trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc quan trọng hiện nay là cần xử lý nghiêm, khắc phục ngay những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội nói chung, trong đó có bệnh tham nhũng, để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 8 (Quốc hội Khóa XIII) chiều 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội đã tiến hành tiếp xúc cử tri các Tây Hồ tại UBND Phường Xuân La.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, lãnh đạo Quận Tây Hồ, các sở ngành liên quan cùng đông đảo cử tri đã đến dự buổi làm việc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các cử tri quận Tây Hồ

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri khẳng định, kết quả kỳ họp thứ 8 đã đáp ứng được kỳ vọng và mong muốn của nhân dân. trong đó nổi bật là công tác xây dựng pháp luật với việc Quốc hội đã thông qua 18 dự án luật; 11 Nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác; quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Cử tri hoan nghênh việc kỳ họp đã dành nhiều thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn...

Tuy vậy cử tri cũng bày tỏ băn khoăn trước việc kết quả phòng, chống tham nhũng có tiến bộ, nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Cử tri đề xuất cần sớm nghiên cứu, xác định rõ hơn các biểu hiện của tham nhũng, đồng thời kiến nghị việc cán bộ công chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn sử dụng nhà công vụ trong thời gian dài (không trả lại nhà nước) cũng phải được xem là hành vi tham nhũng.

Cử tri cũng kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh như việc thiếu trường mầm non, xử lý các dự án treo, bảo vệ môi trường... Sau khi lắng nghe kiến nghị của các cử tri, được sự phân công của lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Phúc Quang đã trả lời thẳng thắn các kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố.

“Xử lý nghiêm tiêu cực, lấy lại niềm tin của nhân dân“ ảnh 2

Nhiều ý kiến tâm huyết, kiến nghị xác đáng đã được cử tri nêu lên tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và cảm ơn cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhiều vấn đề lớn của đất nước, liên quan đến hoạt động của Quốc hội, cụ thể, thiết thực đối với đời sống nhân dân.

Trước những thắc mắc, băn khoăn của cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng Bí thư giải thích, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm theo 3 mức đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá cán bộ. Nếu kết quả lấy phiếu tín nhiệm quá thấp thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm với hai mức tín nhiệm và không tín nhiệm để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm...

“Lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò tín nhiệm đang ở mức nào. Động viên nếu ở mức tốt, nhắc nhở nếu chưa tốt, và răn đe với trường hợp tín nhiệm thấp. Bỏ phiếu tín nhiệm tức là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Dựa trên tinh thần nhân văn, mở đường cho các đồng chí tiến bộ. Việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cốt là để tiến bộ, không phải mục đích để xử lý. Đây là một kênh quan trọng để đánh giá cán bộ, giúp Đảng thực hiện công tác cán bộ”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Đồng tình với kiến nghị của cử tri về việc nâng cao chất lượng các ĐBQH, Tổng Bí thư cho biết, sắp tới Quốc hội sẽ tăng thêm số lượng các đại biểu chuyên trách để tập trung nâng cao hiệu quả công việc, thể hiện tiếng nói và đảm bảo quyền lợi của người dân tốt hơn nữa.

Trước lo lắng của cử tri về việc chất lượng công chức, cũng như hiệu quả của đề án giảm biên chế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến cải cách tiền lương, chỗ nào cũng phản ánh thiếu người làm việc. Vấn đề này sẽ được thực hiện trên tinh thần tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công việc cũng như công tác quản lý công chức, viên chức.

Xung quanh vấn đề phòng, chống tham nhũng, cụ thể về sự việc nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, hay vấn đề một số cán bộ cao cấp khi nghỉ hưu không trả nhà công vụ rất được cử tri quan tâm thời gian qua, Tổng Bí thư khẳng định: đây là vấn đề được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Đảng, Nhà nước ta không khoan nhượng với tham nhũng. Ngay từ năm 1994, Đảng đã xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ dẫn đến mất chế độ, là giặc nội xâm, do đó phòng, chống tham là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng đã có những tiến bộ đáng kể, được cử tri, đồng bảo ghi nhận, hoan nghênh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Công tác phòng chống tham nhũng luôn Được Đảng, Nhà nước thực hiện với quan điểm nhất quán là kiên quyết xử lý không thể rụt rè, nhân nhượng. Thực tế, đây là vấn đề liên quan đến lợii ích cá nhân, thậm chí có nơi, có chỗ thành “dây”, thành “nhóm” chằng chịt, phức tạp gây khó khăn cho công tác xử lý. Đôi khi có những người hiểu pháp luật lại lơi dụng pháp luật để tham nhũng. Vì vậy chúng ta phải triển khai hệ thống các biện pháp một cách toàn diện, lâu dài”.

Về sự việc ông Trần Văn Truyền, Tổng Bí thư thông tin thêm, sự việc được điều tra từ lâu, thông tin cần xác minh, khẳng định rõ ràng vì liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người. Kết luận phải đảm bảo chính xác, công minh. Sau khi thu hồi tài sản, sẽ tiến hành kiểm điểm ông Truyền ở cơ quan cũng như địa phương. “Sai đến đâu, xử lý đến đó, làm rõ trách nhiệm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rõ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ: “Nghị quyết Trung ương 4 khi đi vào cuộc sống đã được sự ủng hộ, hoan nghênh của toàn Đảng, toàn dân khi tập trung chống suy thoái về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân. Đó là điều rất quan trọng để phòng chống tham nhũng”. "Vấn đề bức xúc hiện nay là làm sao khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội nói chung, trong đó có bệnh tham nhũng", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.