Đại tướng Trần Đại Quang - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an:

Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật

ANTĐ -  “Xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình; các vụ án có CBCS công an bị khởi tố, bị kỷ luật do để xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình”. Đó là khẳng định của  Đại tướng Trần Đại Quang - Ủy viên  Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an  trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự sáng 5-6.

Hạn chế thiếu sót trong công tác điều tra 

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến phát biểu của các ĐBQH và cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội, của cử tri cả nước về vấn đề này. Bộ trưởng cũng cho biết, ngay từ Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 7 (ngày 6-1-1982), Bộ Công an đã ra Nghị quyết nêu chủ trương, yêu cầu không để lọt tội phạm, không để oan người vô tội, nghiêm cấm bức cung và nhục hình. Từ đó đến nay, Bộ Công an liên tiếp ban hành nhiều chỉ thị có liên quan đến vấn đề này. 

Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật ảnh 1

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an trao đổi với các đại biểu
 bên hành lang Quốc hội sáng 5-6

Thực hiện các chỉ thị trên, công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm thời gian qua cơ bản đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội pham. Tỷ lệ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, kết luận điều tra chuyển Viện kiểm sát để  truy tố, năm sau cao hơn năm trước. Cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp đã chấp hành nghiêm túc những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS), Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong việc phát hiện, thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ.

Bên cạnh đó, các đơn vị này đã tập trung chỉ đạo, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế thiếu sót trong công tác điều tra xử lý tội phạm; Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm, rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm… Các chỉ tiêu về phòng chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết số 37, số 63 đều đạt và vượt. 

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm 

Về vấn đề bắt, tạm giữ hình sự, trong Báo cáo đoàn giám sát có nêu “việc bắt tạm giữ hình sự còn để xảy ra nhiều trường hợp phải chuyển xử lý hành chính” và coi đó là thiếu sót, vi phạm của CQĐT. Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, “vấn đề này cần được đánh giá dưới góc độ CQĐT có áp dụng đúng pháp luật hay không, chứ không phải nhiều hay ít, ít nhưng áp dụng sai pháp luật thì vẫn không được”. 

Trong quá trình điều tra, ngoài việc thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm, CQĐT còn chú trọng thu thập chứng cứ chứng minh sự vô tội hoặc tính chất mức độ hành vi của bị can theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Ở nhiều vụ án, bị can đã được đình chỉ điều tra chuyển xử lý hành chính theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “Vừa qua khi xảy ra các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh.., để ổn định tình hình và bảo đảm an ninh trật tự, CQĐT đã bắt, tạm giữ hình sự hàng trăm đối tượng, nhưng sau khi điều tra, xác minh, phân loại, đánh giá về tính chất mức độ hành vi đã chuyển xử lý hành chính nhiều đối tượng và chỉ đưa ra truy tố, xét xử một số ít. Điều này là cần thiết và vẫn đúng quy định của pháp luật” - Bộ trưởng Trần Đại Quang dẫn chứng. 

Về vấn đề bức cung, dùng nhục hình, Bộ trưởng Trần Đại Quang “nghiêm túc nhìn nhận bên cạnh những thành tích, những kết quả đạt được, mặc dù số vụ oan, sai giảm hàng năm nhưng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt ở nơi này nơi khác còn xảy ra một số vụ oan, sai, thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, dùng nhục hình”. 

Những trường hợp CBCS công an có hành vi vi phạm trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Từ    1-1-2011 đến nay đã có 40 cán bộ, chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đồng thời lãnh đạo chỉ huy các đơn vị để cán bộ chiến sĩ có hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới. 

Kiên quyết không bố trí công tác cán bộ chưa đủ điều kiện

Về nguyên nhân dẫn đến oan, sai, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhận định, do tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số vụ án, bị can khởi tố điều tra hàng năm đều tăng… nhưng biên chế lực lượng điều tra còn thiếu, nhiều cơ quan điều tra, mỗi điều tra viên thụ lý từ 30-50 vụ án mỗi năm, gây áp lực lớn.

Bên cạnh đó, một số điều tra viên CQĐT ở địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, nóng vội, nhất là trước áp lực công việc và đòi hỏi yêu cầu công việc cần kết thúc sớm vụ án hoặc do áp lực của dư luận… Hơn nữa, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ ở các đơn vị địa phương vẫn chưa sâu sát và thường xuyên. Một số quy định của Bộ luật Hình sự còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính. 

“Với tinh thần thượng tôn pháp luật, để khắc phục những sơ hở thiếu sót cũng như chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, chúng tôi nhận thức rằng biện pháp quan trọng, cơ bản, chủ yếu hàng đầu trong phòng chống oan, sai, đó là đề cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật đi liền với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấp hành các quy trình làm việc và quy chế cộng tác”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng CQĐT, xử lý trách nhiệm liên đới của Thủ trưởng cơ quan điều tra nếu để xảy ra oan, sai, bức cung, nhục hình, các vụ án có cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, bị kỷ luật do để xảy ra oan, sai, bức cung dùng nhục hình, tăng cường trang bị phương tiện chuyên dùng để phục vụ cho việc ghi nhận chứng cứ cũng là  những việc làm cần thiết.

Bộ Công an đã và đang có kế hoạch tiếp tục tăng cường lực lượng điều tra viên cho cơ quan điều tra ở các địa phương trọng điểm. Mặc dù số lượng điều tra viên vẫn còn thiếu nhưng kiên quyết không bố trí số cán bộ chưa đảm bảo những tiêu chuẩn, điều kiện của một điều tra viên làm công tác điều tra, xử lý tội phạm và xử lý các vi phạm pháp luật.