Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ

ANTD.VN -Minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật -  Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 8-11.

Nghị quyết đã được 407/420 Đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Theo Nghị quyết, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế được đặt ra khá cụ thể như: Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP; Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%; Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp;15.000 HTX và liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Kết quả biểu quyết

Bên cạnh đó, Nghị quyết đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu lại nền kinh tế.

Một là, tập trung hoàn thành cơ cấu lại ba trọng tâm gồm cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đánh giá thực chất và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản công...

Hai là, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, khu vực công. Đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công và tài chính quốc gia. Tiến hành sáp nhập, giải thể đơn vị, bộ máy hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách bộ máy nhà nước gắn với cải cách tiền lương. Đổi mới căn bản cách thức quản lý và thái độ làm việc của công chức nhà nước,phục vụ đi đôi với quản lý; minh bạch hóa quản lý nhà nước, tăng cường kỷ luật công vụ, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước. Xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ.

Ba là, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bốn là, hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch,quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và địa phương.

Năm là, hình thành đồng bộ và phát triển các loại thị trường, gồm thị trường tài chính, thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ. Trong đó tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, nâng cao năng lực thực thi pháp luật về môi trường; khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt quan tâm đến các khu vực trọng điểm; giám sát và đối phó các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.