Xử lý ngay ô nhiễm môi trường liên quan trực tiếp đến con người

ANTĐ - Ô nhiễm môi trường, hạn hán kéo dài gây ảnh hưởng đến nông nghiệp ở miền Trung và xây dựng thủy điện không ảnh hưởng đến đời sống dân sinh… là những vấn đề “nóng”, được ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường chia sẻ với báo giới bên hành lang Quốc hội trong ngày 2-11. 

- Ông đánh giá như thế nào về tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta?

Ông Nguyễn Minh Quang: Việt Nam chúng ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Khi kinh tế phát triển khá lên, thì vấn đề xử lý môi trường mới cải thiện hơn. Cần chú ý xử lý ngay phần ô nhiễm liên quan trực tiếp đến con người như: những cơ sở sản xuất hóa chất, xi măng, thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm… và các làng nghề.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Minh Quang

- Thái độ của Bộ Tài nguyên và môi trường (TN và MT) như thế nào, trước tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay?

Ông Nguyễn Minh Quang: Quan điểm của Bộ TN và MT là các doanh nghiệp muốn sản xuất phải có cơ sở xử lý rác thải và đây là nguyên tắc bất di bất dịch. Quá trình phát triển sản xuất phải song song với xử lý sao cho ổn định môi trường. Hiện tại, Việt Nam đang hợp tác với các nước Hàn Quốc và Nhật Bản trong lĩnh vực xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường.

- Vấn đề hạn hán ở nước ta đã ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp, nhất là ở các tỉnh miền Trung. Theo ông, Bộ TN và MT đã có chương trình kế hoạch gì để cải thiện vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Quang: Bộ TN và MT là cơ quan chủ trì Chương trình biến đổi khí hậu. Về vấn đề hạn hán ở miền Trung, hiện Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) khảo sát các hồ có khả năng làm được hồ chứa thì lập dự án xây dựng. Tuy nhiên, việc xây hồ chứa không đơn giản. Ví dụ: Ở tỉnh Ninh Thuận muốn xây hồ chứa phải có bụng hồ và chưa chắc đã làm được bởi chưa biết hiệu quả tưới tiêu chống hạn ra sao? Về vấn đề này, Bộ TN và MT chỉ kiểm soát quy trình vận hành hồ chứa và quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ.

- Xây dựng thủy điện cũng là vấn đề được cử tri và các ĐBQH quan tâm tại mỗi kỳ họp Quốc hội. Vậy theo ông, làm thế nào để thu được điện và đảm bảo đời sống người dân nhất là trong mùa khô hạn?

Ông Nguyễn Minh Quang: Hiện đã có quy trình mới về vận hành liên hồ chứa, nhưng quan trọng là phải kiểm soát thế nào cho hiệu quả? Vấn đề này đang được Bộ TN và MT xây dựng quy chế, dựa trên tiêu chí có hệ thống nhận lượng nước tháo ra phải được đo đếm, theo dõi và các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ. Các chủ đầu tư xây dựng Thủy điện chỉ chú ý đến lợi ích của họ và chúng ta cũng chia sẻ với các nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, cũng phải đặt ra lợi ích chung của nhân dân và không thể không quan tâm đến lợi ích tiết thực này. Ở miền Trung phải xây thêm nhiều hồ chứa, nhưng cũng phải tính đến sự phù hợp với điều kiện nguồn lực. Xây dựng thủy điện quan trọng nhất là vận hành các hồ chứa, đảm bảo vừa là nước sản xuất ra điện, vừa phải đảm bảo nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

- Về dự án thủy điện trên sông Đồng Nai, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội đã yêu cầu Bộ TN và MT kiểm tra, đo đạc, để xác định dự án đó ảnh hưởng bao nhiêu đến dòng chảy… Việc này Bộ TN và MT đã thực hiện chưa và kết quả như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Quang: Bộ TN và MT đã thành lập Hội đồng thẩm định lại và báo cáo đánh giá tác động của dự án thủy điện sông Đồng Nai. Hiện nay, báo cáo đánh giá tác động đó chưa đảm bảo và phải đánh giá tác động môi trường lại. Điều đó có nghĩa là phải nghiên cứu đến cùng tác động, hay không tác động đến môi trường của dự án này.
- Xin cảm ơn ông!