Xu hướng học nghề tăng nhanh và những kỹ năng cốt lõi

ANTD.VN - Con số hơn 2,2 triệu học viên học nghề năm 2017-2018 cho thấy tín hiệu khả quan trong giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 25% số học viên này lấy được chứng chỉ đào tạo đã bộc lộ ra những hạn chế cần phải khắc phục ngay…

Xu hướng học nghề tăng nhanh và những kỹ năng cốt lõi ảnh 1Ngày càng nhiều học sinh quan tâm tới đào tạo nghề nghiệp thay vì chỉ tập trung cho giáo dục đại học

Trên 80% học viên học nghề có việc làm

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: “Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%”.

Năm 2017-2018, GDNN tuyển sinh được 2,2 triệu người. Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 540 nghìn người, trình độ sơ cấp và các chương trình ngắn hạn khoảng 1,6 triệu người. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, đầu tư trọng điểm trong khối giáo dục nghề cũng được đẩy mạnh. Theo số liệu của Tổng cục GDNN, đến tháng 6-2919, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Ước tính đến hết năm 2019, theo chủ trương sắp xếp, tổ chức lại hệ thống, các cơ sở GDNN sẽ giảm bình quân 2,56%.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà, một trong những hạn chế của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý. Đào tạo sơ cấp, ngắn hạn chiếm 75%, trong khi đó, đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm 25% trong tổng số tuyển sinh. Nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế. Con số ít ỏi dưới 25% lao động Việt Nam có chứng chỉ đào tạo nghề đang là thách thức trong việc đi tìm giải pháp bứt phá cho lĩnh vực GDNN.

Mô hình hợp tác quốc tế tăng nhanh 

Một trong những điểm sáng của GDNN hiện nay là mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.

Theo ông Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN, hợp tác quốc tế về GDNN đã giúp Việt Nam tiến gần hơn với trình độ, kỹ thuật đào tạo nghề của các quốc gia phát triển bằng các hoạt động: chuẩn hóa các điều kiện trong dạy và học, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, thiết bị đào tạo, nâng cao công tác quản lý, quản trị cơ sở, lựa chọn có chọn lọc các mô hình đào tạo phù hợp (như mô hình đào tạo kép của Đức, Kosen của Nhật Bản). Tiếp nhận chuyển giao các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến, chỉnh sửa phù hợp với các điều kiện của Việt Nam để đưa vào giảng dạy như các bộ chương trình được chuyển giao từ Úc, Đức,... 

Qua đó, chất lượng đào tạo GDNN không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người sử dụng lao động và di chuyển nguồn nhân lực toàn cầu. Kỹ năng nghề của lao động Việt Nam được cải thiện, nâng cao... thể hiện qua các kỳ thi tay nghề khu vực và trên thế giới. GDNN đang trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng và hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng, cơ bản để thực hiện mục tiêu đó.

So sánh với trình độ GDNN các nước, bà Wendy Cunningham - đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, tại các quốc gia phát triển, GDNN được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp giới trẻ ổn định cuộc sống. Đức, Nhật, Hàn Quốc, Singapore… là những đất nước luôn chú trọng đào tạo nghề từ rất sớm cho học sinh, xây dựng nền tảng vững chắc để công dân trẻ thành công với chính đam mê của mình. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập, đa số người lao động tại các nước phát triển đã qua đào tạo nghề. Trong tương lai, người lao động vẫn cần được đào tạo, đòi hỏi trình độ cao hơn.

Phải đáp ứng yêu cầu hội nhập

Nhìn nhận về thực tế chất lượng lao động Việt Nam, bà Wendy Cunningham cho rằng, trình độ nghề và năng suất lao động tại Việt Nam còn thấp. 67% lực lượng lao động có trình độ Trung học cơ sở trở xuống. Năng suất lao động thấp, tốc độ tăng chậm hơn các nước khác. Hệ thống GDNN tại Việt Nam không hiệu quả. “Xu thế hiện đại hóa GDNN trên thế giới hiện nay cho rằng, GDNN không phải là tiếp nối chương trình giáo dục chính thống mà là cầu nối giữa nhà trường và việc làm, tăng cường việc nhân rộng kinh nghiệm làm việc”- bà Wendy Cunningham nói. 

Trước yêu cầu phát triển GDNN trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá, GDNN Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Theo ông Trần Khánh Đức - giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, những kỹ năng cốt lõi, nền tảng ngày càng trở nên quan trọng. Bất kể ngành nghề nào cũng đòi hỏi các kỹ năng cốt lõi sau: Thứ nhất là nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy độc lập, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời. Thứ hai là nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm. Thứ ba là nhóm kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ làm việc đa dạng cùng sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Cuối cùng là kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm cá nhân và xã hội, hiểu biết đa văn hóa.

Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hoá, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu