Xin đừng hiểu sai ý nghĩa cao đẹp của Ngày Nhà giáo

ANTD.VN - Mới gần tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, các phụ huynh đã dò hỏi nhau xem chuẩn bị quà gì để chúc mừng thầy cô của con em mình. Câu chuyện này không chỉ râm ran trên mạng xã hội mà còn nhỏ to ngay tại cổng các trường học. Nhiều phụ huynh cũng muốn có chút quà gọi là thể hiện tình cảm, sự tri ân với những người thầy vất vả rèn chữ, rèn người, ươm mầm tương lai cho đất nước. Nhưng cũng không ít người thực dụng, làm biến tướng ý nghĩa cao đẹp của ngày nhà giáo. 

Ở vùng quê, món quà tặng thầy cô là vài cành cúc, cành hồng ngắt từ vườn nhà, các cháu học sinh miền núi, quà tặng cho các cô giáo có khi là nhánh hoa rừng hay quả bí ngô… Thế nhưng đối lập lại, ở thành phố, người ta kháo nhau có những người mua hoa tặng thầy cô giáo lên tới tiền triệu. Trên mạng còn loan tin rằng, có bó hoa đến 2,5 triệu đồng mà còn không kịp cắm để bán.

Mấy cửa hàng hoa có tiếng ở Hà Nội vài ngày nay kinh doanh khá tốt với những đơn đặt hàng không giới hạn hoa nhập khẩu đắt tiền từ một số bậc phụ huynh “có điều kiện”. Với những món quà “chơi sang” kiểu này, phải chăng chỉ để thể hiện tình cảm hay còn muốn “nhắn nhủ” gì với thầy cô?

Trong khi có những phụ huynh không tiếc tiền mua  quà tặng thầy cô thì có giáo viên tâm sự, ngày này chỉ muốn tắt điện thoại hoặc khoá cửa đi đâu đó cho đỡ khó xử mà câu chuyện của một cô giáo trên Báo Tuổi trẻ không phải là cá biệt. Câu chuyện này có vẻ mâu thuẫn nhưng thực ra đều xuất phát từ một vấn đề. Một bên là tặng quà nhưng không hề vô tư, còn một bên thì không muốn nhận quà vì phải ràng buộc trách nhiệm.

Nếu như việc tặng quà cho các thầy cô giáo vào ngày 20-11 được thực hiện đúng nghĩa của nó là để thể hiện sự biết ơn những người thầy, là để nhắc nhở học trò truyền thống tôn sư trọng đạo, hay chỉ đơn giản là học sinh, phụ huynh đến nhà chúc mừng thầy cô, thăm hỏi về chuyện học hành thì chẳng ai phải đóng cửa hay phải bỏ ra vài triệu đồng mua hoa, mua quà “độc”. 

Việc tặng quà cho thầy cô, nếu món quà xuất phát từ tình cảm trân trọng, chân thành thì cũng không phải là chuyện đáng phê phán. Tuy nhiên, cũng không thể không thừa nhận thực tế đáng buồn rằng, một bộ phận giáo viên có dụng tâm đánh giá những món quà ngày 20-11 cũng như các dịp lễ tết khác qua giá trị vật chất, coi đó là nguồn thu nhập đương nhiên và có sự phân biệt khác hẳn với những học sinh không tặng quà.

Dù đó chỉ là số ít, nhưng đã làm tổn thương cả ngành giáo dục, làm tổn thương đến những nhà giáo liêm khiết, có nhân cách, bởi phần lớn đội ngũ giáo viên hiện nay mặc dù cuộc sống có vất vả, khó khăn nhưng vẫn vượt qua tất cả để tận tâm với nghề, thương yêu học trò. 

Hãy cùng nhau giữ gìn sự trong sáng và ý nghĩa cao đẹp của Ngày Nhà giáo Việt Nam  bởi còn gì buồn hơn mỗi khi các em nhỏ không quan tâm đến việc người thầy, người cô đó dạy mình ra sao, yêu thương mình thế nào mà chỉ nhớ đến dịp này là nhắc bố mẹ phải có phong bì hay quà gì tặng thầy, cô. Xin người lớn đừng làm trẻ em hiểu sai ý nghĩa cao đẹp của Ngày Nhà giáo Việt Nam.