Xét giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo đang vào nước rút

ANTD.VN - Thay vì tiêu chí mang tính định tính, đòi hỏi cao khiến nhiều sáng kiến chỉ mang tính lý thuyết thì năm nay nhiều hồ sơ tham gia giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo được đánh giá cao về tính thực tế, thiết thực, nhỏ nhưng chất lượng.

Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 - 2018 đang bước vào thời điểm nước rút của việc xét giải.

Thông tin từ Ban Tổ chức, ngày 17/10 Hội đồng chuyên môn sẽ xét giải đối với khối THCS và ngày 22/10 xét giải đối với khối THPT.

Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Giáo dục Việt Nam, thành viên Hội đồng chuyên môn Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” năm học 2017 – 2018 nhận xét mặt bằng chung chất lượng hồ sơ tương đối đồng đều. Sản phẩm minh chứng về sự tâm huyết, sáng tạo khá rõ nét; trong đó tập trung ở các giáo viên nhiều tuổi.

Điều này phần nào cho thấy sự ảnh hưởng, sức lan tỏa không nhỏ của giải thưởng này đối với các giáo viên nói chung, nhất là các giáo viên có nhiều năm công tác trong nghề.

Hội đồng xét duyệt giải thưởng nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo đánh giá cao những sáng kiến nhỏ nhưng chất lượng 

Trước đó, nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, tiêu chí sáng tạo trong giải thưởng định tính và làm khó giáo viên khi tham gia. Tuy nhiên, theo ông Ân, tiêu chí sáng tạo trong giải thưởng này không làm khó giáo viên.

Tiêu chí này vừa là cơ hội, vừa là sự thách thức bởi trong xã hội hiện đại, giáo viên bắt buộc phải có sự thay đổi, phải có sự vận động, sáng tạo trong quản lý và giảng dạy nếu không muốn tụt hậu.

Cũng theo ông Ân, trong các giải thưởng hoặc cuộc thi trước đây, người ta quan niệm đổi mới hay sáng tạo phải là cái gì đó to lớn, ngoài khả năng, tầm vóc của họ, dẫn tới việc sáng kiến tạo ra chỉ nằm ở lý thuyết nhưng quan niệm này đã được khắc phục trong năm thứ 2 của giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” khi các sáng kiến đã đi vào thực tế, nhỏ nhưng “chất” và thiết thực.

“Thay đổi cũng là sáng tạo chứ không nhất thiết phải là cái gì đao to búa lớn, hình thức. Sáng tạo không phải là cái gì quá xa lạ.

Đó có thể là những sáng tạo tưởng chừng rất đơn giản, dễ làm, thực tế nhưng nó có tác động tích cực đến học sinh, nhà trường, phụ huynh, đến chương trình. Nhiều thay đổi nhỏ sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn, từng cái nhỏ sẽ dẫn tới một cái lớn vững chắc hơn” - ông Ân nói.

Tiêu biểu như sáng kiến: sử dụng đồ tái chế làm đồ dùng học tập của cô Lê Thùy Minh, Trường Tiểu học Hoàng Diệu (Ba Đình); tìm hiểu, giúp đỡ, kèm cặp các em học sinh bị tăng động, giảm tập trung tại lớp chủ nhiệm của cô Phạm Thị Thanh Huệ, Tiểu học Phù Lỗ A (Sóc Sơn)...

Với quan niệm về tính sáng tạo mang tính “mở” như trên, năm nay, Ban Tổ chức và Hội đồng khoa học thống nhất đánh giá tiêu chí sáng tạo trong các hồ sơ tham dự trên cơ sở sự tiến bộ, sự thay đổi của từng giáo viên trên từng vùng miền chứ không lấy cào bằng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Trưởng phòng Phòng Đào tạo, Hệ thống Giáo dục Hocmai, thành viên Hội đồng chuyên môn cho rằng, một sáng kiến hay, hiệu quả thì nên được chia sẻ và có sự lan tỏa tới đồng nghiệp; từ đó, tạo nên một tập thể có chuyên môn vững mạnh.

Vì vậy, trong quá trình chấm, Hội đồng cũng sẽ đánh giá cao các hồ sơ có yếu tố lan tỏa tốt.