Khám chữa bệnh BHYT:
Xếp hàng vài tiếng để khám 1 phút!
(ANTĐ) - Hôm qua 27-5, Quốc hội tiếp tục dành buổi sáng để thảo luận tại hội trường về dự luật Bảo hiểm y tế. Các ĐBQH tiếp tục đóng góp những ý kiến tâm huyết, quan tâm đến quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Buổi chiều, các ĐBQH nghe tờ trình và thảo luận tại hội trường về dự luật Công nghệ cao.
Khám chữa bệnh BHYT - còn rất nhiều vướng mắc |
Quyền lợi người BHYT được quan tâm đến đâu?
Theo ĐB Lý Kim Khánh (Cà Mau), về quyền lợi của người tham gia BHYT và vấn đề liên quan tới mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT, phạm vi quyền lợi đã từng bước được mở rộng nhưng chưa toàn diện, một số dịch vụ như dự phòng, điều trị sớm, giảm chi phí mang lại lợi ích xã hội cao nhưng chưa được đưa vào quyền lợi. Việc hạn chế thanh toán với những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như hiện nay, có thể làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho người tham gia BHYT...”.
“Điều 17 - Dự thảo luật quy định mức đóng BHYT là 6% lương tối thiểu thay vì 3% như quy định hiện hành. Mức đóng 3% là quá thấp trong khi các dịch vụ y tế, giá thuốc chữa bệnh tăng cao, nhưng đóng 6% lại cao so với mức lương cơ bản hiện nay. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét mức đóng BHYT cho phù hợp với thu nhập của người lao động” là ý kiến của ĐB Dương Thị Thu Hà (Lào Cai).
ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ cân nhắc nên thực hiện BHYT bắt buộc cho nông dân từ năm 2010 và có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương với tỷ lệ 50/50 hay 40/60, nhằm thực hiện mục tiêu ưu việt của Nhà nước ta là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là người dân lao động ở lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, sống và lao động ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao khó khăn, lao động trong môi trường vất vả và thường xuyên bị đe dọa sức khỏe do môi trường lao động hiện nay đang bị ô nhiễm.
Hơn nữa, nông dân chịu nhiều thiệt thòi trong việc thực hiện và thụ hưởng các điều kiện về phúc lợi xã hội. Chính phủ, ngành y tế cần có lộ trình đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, trước hết là thiết bị kỹ thuật và nhân lực vận hành để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nông dân...”.
Về quyền lợi hưởng BHYT, theo ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội), Quỹ BHYT được xác định thanh toán các chi phí trực tiếp liên quan đến khám, chữa bệnh, các trường hợp thanh toán theo chế độ BHYT là các trường hợp được xác định là bệnh lý mắc phải và bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, các phương pháp điều trị dự phòng, khám chữa bệnh tại nhà, khám chữa bệnh chất lượng cao là chiến lược dài hạn.
Và thế nên có lộ trình mở rộng loại hình sản phẩm bảo hiểm y tế phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và khả năng đóng góp tài chính của người tham gia bảo hiểm.
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng, người soạn thảo dự luật phần lớn sử dụng nhãn quan của người quản lý hơn là của bệnh nhân. ĐB Nguyễn Đình Xuân đặt mình dưới góc độ là bệnh nhân và người thụ hưởng BHYT này và sẽ không chấp nhận rất nhiều điều trong dự thảo này. Đó là việc chúng ta phải đóng 4 năm, đưa sổ vào 4-5 cửa xếp hàng đến hàng chục giờ đồng hồ để đi khám 1 phút là có thật.
“Tôi cho rằng việc này còn bắt nguồn sâu xa từ vị thế độc quyền của cơ sở khám, chữa bệnh khi mà quy định bắt buộc người ta phải ghi vào nơi khám, chữa bệnh ban đầu là bệnh viện nào đấy mà nếu tôi muốn, tôi cũng chẳng đi chỗ khác được” - ĐB Nguyễn Đình Xuân bức xúc.
Cũng theo ĐB Xuân thì luật này nên đưa những điều khoản, ví dụ nếu bảo hiểm y tế không đáp ứng được nhu cầu khách hàng thì khách hàng có thể khiếu nại hoặc khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu được thanh toán những chi phí hợp lý.
Hôm nay (28-5), Quốc hội dành phần lớn thời gian để thảo luận tiếp về dự án công nghệ cao. Cuối giờ chiều, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày tờ trình về dự luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), một trong những dự luật được các ĐBQH và dư luận quan tâm.
Tường Lâm