Xem xét lại trách nhiệm quản lý vũ trường trên toàn quốc           

(ANTĐ) - Vụ án ở vũ trường New Century đang là tâm điểm của sự chú ý của dư luận. Điều này cũng là dễ hiểu bởi đây là vũ trường lớn bậc nhất ở Hà Nội. Sau khi các đơn vị nghiệp vụ của Tổng Cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh mà chủ công là Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17) bất ngờ kiểm tra vũ trường thì đã phát hiện được nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật tại đây - đặc biệt là việc sử dụng chất ma túy - thì dư luận càng đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của một số cơ quan chức năng về sự tồn tại của vũ trường này trong nhiều năm qua.

 Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, Thủ trưởng cơ quan CSĐT - Bộ Công an

Xem xét lại trách nhiệm quản lý vũ trường trên toàn quốc           

(ANTĐ) - Vụ án ở vũ trường New Century đang là tâm điểm của sự chú ý của dư luận. Điều này cũng là dễ hiểu bởi đây là vũ trường lớn bậc nhất ở Hà Nội. Sau khi các đơn vị nghiệp vụ của Tổng Cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh mà chủ công là Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17) bất ngờ kiểm tra vũ trường thì đã phát hiện được nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật tại đây - đặc biệt là việc sử dụng chất ma túy - thì dư luận càng đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm của một số cơ quan chức năng về sự tồn tại của vũ trường này trong nhiều năm qua.

Để có được những thông tin chính xác, PV An ninh Thủ đô đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an.

- PV: Thưa đồng chí Thiếu tướng, xin đồng chí cho biết những kết quả điều tra đầu tiên của vụ án vũ trường New Century?

 - Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ: Trước hết, phải nói đôi chút về quá trình lập chuyên án. Từ cuối năm 2006, trong quá trình điều tra một số vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy của C17, một số đối tượng đã khai nhận về hành vi đưa ma túy vào bán ở trong vũ trường New Century. Nhận định vũ trường này là một trong những nơi mà có nhiều thanh niên đến chơi sử dụng chất ma túy, cho nên lãnh đạo C17 đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát.

 Đầu tháng 1-2007, chuyên án được xác lập và được sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát. Tham gia công tác trinh sát, ngoài Cục C17 còn có một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục An ninh. Việc trinh sát để công tác thu thập chứng cứ được tiến hành cực kỳ bí mật. Ngay trong C17, số cán bộ được biết cũng rất ít... Trong quá trình trinh sát, chúng tôi thu được nhiều tài liệu, chứng cứ về việc sử dụng chất ma túy tại vũ trường.

Cũng phải nói thêm rằng việc trinh sát là cực kỳ khó khăn, phức tạp và nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ, rất trách nhiệm của các đơn vị khác thuộc Tổng cục An ninh thì việc điều tra sẽ còn vấp phải nhiều trở ngại. Và với tất cả những gì chúng tôi thu thập được thì mới hiểu rằng vì sao vũ trường này tồn tại, mặc dù Công an Hà Nội cũng đã có nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động và ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy tại vũ trường.

Nhưng quả thật, với một vũ trường lớn như New Century, có cách tổ chức chặt chẽ, và về lý thuyết là khá "nghiêm chỉnh" thì  theo tôi, Công an Hà Nội có muốn triệt phá như cách chúng tôi đã làm thì cũng không đơn giản. Công an quận Hoàn Kiếm và đội bảo vệ vũ trường cũng bắt được đến 35 vụ buôn bán, sử dụng ma túy tại đây trong năm 2006 đấy chứ.

 Cũng phải nói thêm rằng trong công tác điều tra, việc giữ gìn bí mật có tính chất quyết định tới thành bại của chuyên án. Cho nên không phải vụ nào cũng được phép trao đổi rộng rãi với công an các đơn vị địa phương. Cũng như công an các tỉnh, thành phố; nhiều khi Phòng nghiệp vụ phá án mà chỉ huy Công an quận, huyện có được biết gì đâu. Đó là nguyên tắc nghiệp vụ điều tra, chứ không phải là vì nghi ngờ đơn vị cơ sở mà "không cho biết".

Trong vụ án này, hầu hết cán bộ chiến sĩ được huy động cũng chỉ biết nhiệm vụ khoảng 15 phút trước khi đến giờ G. Còn đối với công an cơ sở, thông thường là Ban chuyên án chỉ thông báo khi việc phá án bắt đầu. 

 Khi tập trung lực lượng để vào vũ trường, chúng tôi cũng đã thông báo với Ban Giám đốc Công an Hà Nội, mà cụ thể là với Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội. Ngay lập tức, Công an Hà Nội và CAQ Hoàn Kiếm đã đưa các lực lượng như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát PCCC, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự  tới phối hợp rất có trách nhiệm. Và cho đến nay, việc phối hợp điều tra giữa Ban chuyên án với Công an Hà Nội cũng rất chặt chẽ.

Việc phá án vào đêm thứ sáu là ngẫu nhiên bởi bao giờ tối hôm đó cũng là đông nhất. Vào các tối thứ bảy, chủ nhật không đông bởi vì nhiều đối tượng chuyển từ " ăn chơi" sang cờ bạc - nghĩa là lao vào cá độ bóng đá.

 Cho đến nay, cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố vụ án với 6 đối tượng  và tạm giữ 4 người, đó là Nguyễn Đại Dương, Trần Kiếm Anh, Trung Thị Thu Hiền và Lê Quốc Vương. Riêng đối tượng Lê Thị Kim Anh và Phan Thanh Hà thì được tại ngoại. Lê Thị Kim Anh, SN 1989, nhưng đang nuôi con nhỏ dưới 18 tháng... Các đối tượng này đã phạm tội Tổ chức sử dụng chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Chứa chấp trái phép chất ma túy...

Nguyễn Đại Dương cũng đã nhận trách nhiệm về việc để cho khách hàng mang chất ma túy vào trong vũ trường. Việc điều tra mở rộng vụ án sang các hành vi khác như trốn thuế, hay có hoạt động tổ chức mại dâm hay không sẽ được tiến hành khẩn trương.

 Khi đột kích vào vũ trường, nói thật là chúng tôi rất buồn khi thấy hầu hết dân chơi ở đây là thanh niên ở độ tuổi từ 16 đến 24, trong đó có không ít  cháu là con cán bộ, công nhân viên chức, và thậm chí có cả những người đang công tác, làm việc ở các cơ quan Nhà nước. Cơ quan điều tra đang tiến hành phân loại để có những thống kê về độ tuổi, thành phần... từ đó có thể giúp các cơ quan chức năng thấy được một phần nào “bức tranh” về thanh thiếu niên hiện nay. Qua xét nghiệm, cũng đã phát hiện khoảng hơn 1/3 số được thử có phản ứng dương tính về ma túy. Con số này là quá lớn và thực sự đáng báo động.

 Các bậc cha mẹ nghĩ sao khi để cho con mình đi chơi thâu đêm suốt sáng? Và tôi không tin các cháu đang độ tuổi đi học đến đây chơi bời nhảy nhót, sử dụng ma túy lại  có thể là " con ngoan, trò giỏi".

Lực lượng công an kiểm tra vũ trường
Lực lượng công an kiểm tra vũ trường

- PV: Thưa đồng chí, dư luận nghi ngờ rằng vũ trường này tồn tại được là vì có ai đó "bảo kê"?

 - Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ: Việc dư luận nghi ngờ về vũ trường có sự "bảo kê" thì mới tồn tại được cũng là sự bình thường, tuy nhiên cũng không nên suy diễn quá.  Cái gọi là "bảo kê" này ( nếu có) sẽ xảy ra ở hai việc.

  Thứ nhất là có các băng nhóm tội phạm có tổ chức đứng ra "bảo kê", nhằm ngăn chặn sự quấy phá của các băng nhóm khác và "duy trì trật tự " tại vũ trường.

 Thứ hai là có người làm ô dù che chắn cho các hoạt động phạm pháp của vũ trường. Những người này (nếu có) thì chắc chắn phải là những quan chức có đủ quyền lực...

 Đến giờ này cơ quan điều tra chưa phát hiện thấy chứng cứ về cái gọi là "bảo kê" của ai đó đối với vũ trường, kể cả sự bảo kê của các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Tất nhiên, nếu phát hiện được thì tôi tin rằng lãnh đạo Bộ Công an; chính quyền Thủ đô và Công an Hà Nội cũng xử lý nghiêm khắc.

 Với trách nhiệm là thủ trưởng cơ quan điều tra, trực tiếp chỉ đạo chuyên án, trong suốt quá trình trinh sát và cho đến nay, tôi chưa bao giờ nghi ngờ anh em Công an Hà Nội. Có phải việc nào  muốn cũng có thể làm được đâu.

 - PV: Thưa đồng chí Thiếu tướng, có thể rút ra bài học gì qua vụ án này? Đặc biệt là trách nhiệm của chính quyền cơ sở?

- Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ: Đúng là sau đây có thể rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh một số ngành nghề nhạy cảm như vũ trường, quán karaoke, cơ sở massage... Vụ án này là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ở các địa phương. Tôi nói thật là nếu tập trung kiểm tra bất cứ vũ trường nào thì cũng sẽ phát hiện được có người sử dụng chất ma túy... Cách quản lý vũ trường như của chúng ta hiện nay mang nặng tính hình thức và không nghiêm.

 Các chế tài của luật pháp, đặc biệt là xử phạt hành chính quá nhẹ không đủ sức răn đe. Chúng tôi cũng hiểu rằng việc điều tra, tìm ra chứng cứ phạm pháp như sử dụng chất ma túy tại vũ trường là rất khó khăn và hoàn toàn không đơn giản. Chả lẽ bây giờ mỗi người vào vũ trường, bảo vệ, công an phải... khám túi? Phải thử nước tiểu để xem đã uống ở ngoài hay chưa? Nhưng nếu chúng ta làm tốt công tác phòng ngừa tại các vũ trường,  tích cực tấn công triệt phá các đường dây buôn bán ma túy thì chắc chắn các vũ trường sẽ là cơ sở hoạt động văn hóa lành mạnh hơn. 

Nhưng việc để  các vũ trường hoạt động quá giờ, vi phạm các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ; quản lý nhân viên v.v thì rõ ràng là do các cơ quan có trách nhiệm quản lý đã buông lỏng. Chúng ta hoàn toàn có thể chấn chỉnh được, nếu như chính quyền  cơ sở  "rắn tay".

- PV : Thưa Thiếu tướng, diễn biến tiếp theo của quá trình điều tra là như thế nào?

 - Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ: Trước hết, chúng tôi phải tập trung vào các tội danh đã khởi tố là tổ chức sử dụng, buôn bán, tàng trữ chất ma túy. Tiếp theo là sẽ mở rộng vụ án, xem xét tới các hành vi khác như có hoạt động mãi dâm hay không? Có bán hàng giả, có trốn thuế hay không, và dĩ nhiên là cũng phải xem lại một số vụ việc hình sự trước đây xảy ra tại vũ trường đã được xử lý đúng pháp luật chưa? Còn việc tìm những ai là người bảo kê cho vũ trường, nếu có chứng cứ thì phải làm cho tới nơi, tới chốn.

 Một lần nữa, tôi nhắc lại vụ án này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý các ngành nghề nhạy cảm. Và tôi cũng mong rằng từng gia đình hãy chú ý giáo dục, quản lý con em mình. Không thể đổ lỗi cho xã hội làm con mình hư hỏng.

- PV : Xin cảm ơn đồng chí Thiếu tướng!

       Quỳnh Chi
(Thực hiện)