Xe quá tải thôi lộng hành đăng kiểm lại tăng sách nhiễu

ANTĐ - Dù Bộ GTVT đã có văn bản tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải về chủ trương “siết tải trọng” nhưng các cơ quan chuyên môn lại dường như thờ ơ,  khiến xung đột giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp gia tăng. 
Xe quá tải thôi lộng hành đăng kiểm lại tăng sách nhiễu ảnh 1

Xe thiết kế 40 tấn chỉ cho chở 21 tấn?

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, từ khi thực hiện chủ trương “siết tải trọng xe”, tình trạng xe quá khổ, quá tải lưu thông đã giảm đáng kể, đặc biệt là hiện tượng xe quá tải “nghênh ngang” đi hàng dài trên các tuyến quốc lộ, đã gần như vắng bóng. Kết quả kiểm tra cho thấy, từ tháng 12-2013 đến hết tháng 7-2014, các trạm cân lưu động đã dừng kiểm tra gần 200.000 phương tiện, phát hiện và lập biên bản gần 40.000 phương tiện vi phạm quá tải; xử phạt, nộp kho bạc Nhà nước 125 tỷ đồng, tạm giữ 849 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX hơn 23.100 trường hợp… Các trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã từ chối kiểm định với 350 xe khách do lắp thêm ghế, cơi nới giường, hơn 5.200 xe tải do cơi nới thùng… 

Tuy nhiên, từ khi thực hiện “siết tải trọng xe”, rất nhiều doanh nghiệp kêu khó vì văn bản quy phạm thay đổi nhanh, không có lộ trình khiến hàng nghìn phương tiện không thể lưu thông. Tháng 7-2014, Bộ GTVT đã có văn bản tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điều chỉnh tăng khối lượng cho hơn 7.000 sơmi rơmooc và hơn 3.000 phương tiện khác. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại giữa Bộ GTVT với các doanh nghiệp vận tải bộ vào chiều qua 6-10, hàng chục doanh nghiệp vẫn “tố” cơ quan chuyên môn tắc trách, không chia sẻ với nỗi khổ của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, Hải Phòng hiện có khoảng 1.500 xe trong diện được nâng tải trọng nhưng thủ tục, thời gian hoán cải 1 sơmi 

rơmooc rất lâu, chi phí mỗi xe vào khoảng 50 triệu đồng. Đáng nói, sơmi rơmooc sau khi được điều chỉnh tải trọng trục theo quy định của Bộ GTVT nhưng khi vào đăng kiểm thì cả hai trung tâm đăng kiểm tại Hải Phòng đều từ chối. “Tôi trao đổi với 2 Giám đốc trung tâm đăng kiểm đều nhận được thông tin, Cục (Đăng kiểm) chưa có hướng dẫn cụ thể nên các trung tâm chưa thể làm được”, ông Tiến cho biết. 

Ông Đoàn Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP vận tải Xuân Trường khá bức xúc khi đề cập đến vấn đề đăng kiểm hiện nay. “Sơmi rơmooc công ty chúng tôi nhập về từ năm 2005, chạy gần 10 năm nay với tải trọng 40 tấn, nhưng vừa rồi đi đăng kiểm chỉ cấp phép cho chở 21-22 tấn. Chúng tôi thắc mắc với trung tâm đăng kiểm thì được trả lời, không có văn bản hướng dẫn nên chỉ được chở như vậy thôi. Tại sao cùng là luật mà mỗi nơi lại áp dụng một kiểu? Không có hướng dẫn, không đăng kiểm được thì xe của chúng tôi mua phải để ở nhà, đắp chiếu, nợ ngân hàng chồng chất lấy gì trả?”. 

Trong khi đó, ông Đoàn Thanh Hải cho biết, tình trạng làm giả Giấy chứng nhận đăng kiểm rất nhiều, đặc biệt là xe 3-4 “chân” (xe 3-4 trục) phần lớn dùng Giấy chứng nhận đăng kiểm giả, GPLX giả.  Giám đốc Công ty Xuân Trường đề nghị cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp chấm dứt tình trạng này: “Với những xe, chủ hàng cố tình chở quá tải đề nghị phạt thật nặng, thậm chí là 80-100 triệu đồng. Còn như hiện nay, việc dùng Giấy chứng nhận đăng kiểm giả, xe quá tải trọng, phạt vi phạm xong lại cho lưu thông là không công bằng đối với những doanh nghiệp chấp hành luật”, ông Hải kiến nghị. 

Đăng kiểm sách nhiễu sẽ bị xử lý nghiêm

Trước bức xúc của các doanh nghiệp về tình trạng đăng kiểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận, 10 năm qua do việc đăng kiểm không nghiêm nên đã vô tình tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh trong hoạt động vận tải. Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm và thấy thiếu sót của mình là đã để xe quá tải “lộng hành” một thời gian quá dài. Một loạt các phương tiện nhập về, đặc biệt là sơmi rơmooc nhập theo đặt hàng của doanh nghiệp trong nước gần như vi phạm so với tiêu chuẩn quốc tế, và chỉ chạy ở Việt Nam. Ví dụ như xe Howo (hay gọi xe hổ vồ) của Trung Quốc, không được phép chạy trên các tuyến đường quốc lộ ở Trung Quốc nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại đặt và nhập khẩu rất nhiều. Khi nhập về, mỗi xe Howo theo thiết kế thùng chỉ 50cm, chở được 10 tấn, song công suất của xe chở được tới 90 tấn. “Đăng kiểm xong, chủ xe cơi nới thùng lên để chở quá tải, tình trạng này rất phổ biến trong thời gian qua. Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định.

Cũng bởi sự chậm trễ, đủng đỉnh của đăng kiểm mà số lượng xe sơmi rơmooc được chuyển đổi tải trọng cũng như hoán cải trục rất ít dù đến 31-12-2014 là hết hạn. Trước thực trạng này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, nếu đăng kiểm thiếu trách nhiệm, sách nhiễu sẽ xử lý nghiêm, đồng thời chỉ đạo Cục Đăng kiểm thành lập tổ cơ động để cùng doanh nghiệp xử lý những vấn đề vướng mắc.