Xảy ra tai biến sau tiêm chủng bắt buộc: Được bồi thường cả sức khỏe lẫn tinh thần

ANTĐ - Đây là nội dung mới lần đầu tiên được quy định tại Dự thảo nghị định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế soạn thảo và đang lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành.

Mức bồi thường cao nhất là 30 tháng lương

Dự thảo Nghị định có riêng một chương quy định về việc bồi thường khi sử dụng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Cụ thể, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng.

Những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vaccine được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; bị tử vong.

Mức độ bồi thường gồm các thiệt hại do phải khám bệnh, chữa bệnh; thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút; để lại di chứng và thiệt hại đến tính mạng.

Xảy ra tai biến sau tiêm chủng bắt buộc: Được bồi thường cả sức khỏe lẫn tinh thần ảnh 1

Tiêm chủng dịch vụ tại TTYTDP Hà Nội (Ảnh minh họa)

Cụ thể, trường hợp phải nhập viện điều trị, người bị thiệt hại sẽ được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ việc không hưởng lương để chăm sóc.

Nếu để lại di chứng, người bị thiệt hại sẽ được hỗ trợ thêm bằng mức lương cơ sở tại thời điểm giải quyết bồi thường nếu bị tổn thương cơ thể 11-15%; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ trên 15% đến 80%. Mức hỗ trợ cao nhất bằng 30 lần mức lương cơ sở nếu bị tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.

Đồng thời, người bị thiệt hại được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo mức độ khuyết tật theo quy định về người khuyết tật.

Trường hợp người được tiêm chủng tử vong do vaccine hoặc sai sót trong thực hành tiêm chủng, ngoài chi phí khám chữa bệnh, thiệt hại vật chất cho người phải nghỉ làm không hưởng lương để chăm sóc, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Đồng thời, Nhà nước cũng bồi thường để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại hoặc cho người trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại... Mức bù đắp tổn thất về tinh thần bằng 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 

Một quy định tiến bộ

Theo Bộ Y tế, hiện nay, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trực tiếp để xảy ra các ca tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, nếu tai biến được xác định do vaccine thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm; do tiêm nhầm thuốc thì cán bộ y tế trực tiếp tiêm chủng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân.

Các chuyên gia về công tác tiêm chủng cho rằng, quy định như vậy không chỉ khó đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại mà ngay cả đội ngũ những cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng cũng không yên tâm.

Thời gian qua, tại một số nơi đã xuất hiện tình trạng cơ sở y tế buộc gia đình trẻ tiêm chủng phải ký cam kết, tự chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố. Do vậy, việc dự thảo Nghị định quy định rõ về chính sách bồi thường sẽ giúp khắc phục được tồn tại này.

Trong 6 tháng đầu năm nay, trên cả nước đã ghi nhận 3.612 trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm chủng và 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng tại 11 tỉnh/thành phố.

Thống kê từ Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, trong 13 ca tai biến nặng kể trên, có 10 trường hợp tử vong. Trong số 12 trường hợp đã được kết luận nguyên nhân, ghi nhận 8 trường hợp (7 tử vong) do trùng hợp ngẫu nhiên (chiếm 67%), 3 trường hợp tử vong không rõ nguyên nhân (chiếm 25%) và 1 trường hợp do sốc phản vệ đã hồi phục (chiếm 8%), chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do vaccine.