Xây nhà gây lún sụt: Trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư
(ANTĐ) - Chủ đầu tư các dự án xây dựng cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ cao cấp phải chịu trách nhiệm về việc gây sập, sụt lún các công trình liền kề... Cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, quản lý các công trình cao tầng, bảo đảm an toàn trong xây dựng và tính mạng của người dân - Đó là yêu cầu mà thành phố Hà Nội đặt ra đối với việc xây dựng các tòa nhà cao tầng hiện nay.
Chỉ có người dân bị thiệt
Thời gian vừa qua, TP.HCM đã xảy ra hàng loạt sự cố về công trình xây dựng nhà cao tầng như cao ốc Pacific gây sập nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai; cao ốc 12 tầng Saigon Recidences tại quận 1 gây nghiêng lún chung cư 5 tầng và vụ sụt lún tại trường THCS Lương Định Của, quận 2...
Qua việc này cho thấy chủ đầu tư các công trình thiếu ý thức bảo vệ an toàn cho cộng đồng. Do vậy, trách nhiệm chính để xảy ra những sự cố này vẫn là các chủ đầu tư. Theo Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn, nguyên nhân ban đầu mà các công trình xây dựng cao ốc trên gây sự cố sập nhà, sụt tường, nghiêng chung cư liền kề là do thi công sai quy định.
Trở lại việc xây dựng tòa nhà văn phòng cao cấp 30 tầng của Tổng công ty Vinaconex tại Láng Hạ, Hà Nội đã gây sụt, lún nhà của một số hộ dân ở chung cư C1B Láng Hạ, người dân cho biết: Cuối tháng 9, đầu tháng 10-2007, khi tòa nhà này xây dựng 3 tầng hầm với độ sâu khoảng 20m thì nhà dân ở đây bắt đầu nứt tường, trần và nền nhà sụt dần, công trình ngầm cũng nứt... Người dân chung cư C1B đã làm đơn gửi cơ quan chức năng.
Nhà dân ở ngõ 79 Lò Đúc bị nứt |
UBND phường Láng Hạ đã chủ trì cuộc họp với Tổng công ty Vinaconex và các hộ dân bị sụt, lún nứt nhà để bàn biện pháp khắc phục. Sau cuộc họp, chủ đầu tư tòa nhà 30 tầng Vinaconex đã có phương án xử lý các căn hộ bị sụt nền. Đối với những nhà dân bị lún nứt nặng, hoặc bị nghiêng lệch về một phía, Vinaconex đã phá dỡ để xây lại, gia cố nền móng.
Nhưng theo người dân ở chung cư C1B Láng Hạ, hiện tại nền của khu chung cư 5 tầng này có chiều hướng trôi về phía tòa nhà 30 tầng. Vì vậy người dân đề nghị chủ đầu tư tòa nhà 30 tầng có biện pháp đảm bảo an toàn cho cả khu chung cư C1B. Họ cho rằng dù nhà đầu tư có đền bù thiệt hại nhưng phần thiệt thòi vẫn thuộc về phía những hộ dân bị sụt, lún nứt nhà.
Trách nhiệm của chủ đầu tư có hạn...
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc các công trình xây dựng nhà cao tầng để xảy ra sụt, lún, nứt các công trình liền kề là điều khó tránh được. Nhưng nếu chủ đầu tư, nhà thầu và tư vấn giám sát tăng cường kiểm tra, giám sát các quy trình xây dựng thì sẽ hạn chế được phần nào tình trạng trên.
Cũng nhằm hạn chế việc gây sụt, lún nứt các công trình liền kề khi xây dựng các cao ốc ở Hà Nội, đầu năm 2007, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình. Theo đó, chủ đầu tư, nhà thầu xây công trình phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại đối với việc làm hư hỏng các công trình liền kề nếu nguyên nhân được xác định do công trình mới thi công gây ra.
Nhưng trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình xây dựng gây sụt, lún nứt các nhà dân liền kề lại không được quy định cụ thể. Nếu công trình xây dựng gây sụt, lún nứt nhà dân là các trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, hay chung cư cao cấp, thì việc đền bù của chủ đầu tư cho các nhà dân sẽ nhanh hơn, người dân bớt thiệt thòi.
Nhưng công trình nào mà được xây dựng bằng vốn ngân sách thì việc đền bù cho người dân rất khó khăn, kéo dài, người dân rất thiệt thòi. Cũng có trường hợp chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công công trình gây lún, sụt nhà dân đã không thống nhất được với người dân về phương án đền bù, nên phải đưa nhau ra tòa, gây phức tạp, mất thời gian cho cả hai bên.
Có nên dừng xây cao ốc trong nội đô?
Trước tình trạng các tòa nhà cao tầng hiện nay ở Hà Nội và TP. HCM gây sập, sụt lún các công trình và nhà dân xung quanh, vừa qua Bộ Xây dựng đã có Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý xây dựng đối với các công trình xây dựng nhà cao tầng.
Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố trước khi cấp giấy phép xây dựng cao ốc, phải tổ chức thực hiện khảo sát hiện trường, có biên bản xác nhận hiện trạng các công trình liền kề. Tập trung kiểm tra việc xây dựng các tòa nhà cao tầng nhất là những tòa nhà có tầng hầm để phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố xảy ra...
Việc xây dựng cao ốc trong nội đô hiện rất phức tạp, do nơi đây có nhiều nhà dân, công trình đã xây dựng từ lâu, khi cao ốc xây chen vào đó đã ảnh hưởng đến địa chất của công trình cũ. Việc xây chen này khó hơn rất nhiều so với xây cao ốc trên đất trống.
Gần đây có ý kiến đề nghị nên dừng cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng trong nội thành Hà Nội, các công trình này nên đưa ra khu vực ven đô để bảo đảm cảnh quan đô thị của Hà Nội, bởi trong nội thành hiện đã có quá nhiều tòa nhà, văn phòng cao tầng.
Điều này còn hạn chế được việc gây sụt, lún nứt cho các công trình, nhà dân có tuổi thọ cao trong nội thành. Việc dừng cấp phép xây dựng các cao ốc trong nội đô sẽ hạn chế được việc tăng mật độ dân số, hạn chế ùn tắc giao thông... Đây là vấn đề mà thành phố Hà Nội nên quan tâm.
(Trong bài có sử dụng một số tư liệu của đồng nghiệp)
Quốc Đô