Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô

ANTĐ - Đời sống vật chất được cải thiện thì các giá trị văn hóa lại bị coi nhẹ, xuống cấp, những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đang dần mất đi… Đó là nội dung chính được đề cập đến trong Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển văn hóa ở Thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 6-3. 
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô ảnh 1
Cần giữ gìn và phát triển hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch


Theo đồng chí Hồ Quang Lợi - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã đem lại chuyển biến quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ 1-8-2008, sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh ngày càng khởi sắc, phong phú, đa dạng hơn. Tuy vậy, trên lĩnh vực văn hóa, đời sống tinh thần của thủ đô vẫn còn tồn tại một số mặt xuống cấp, chậm được khắc phục như: tư tưởng thực dụng, ích kỷ, vụ lợi, vô cảm, suy thoái về đạo đức, lối sống, nếp sống, truyền thống thanh lịch có phần phai nhạt, mai một…

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá, khi thu nhập tăng lên, đời sống được cải thiện thì các quan hệ kinh tế, quan hệ xã hội, trong đó có quan hệ giữa văn hóa và phát triển lại xung đột với nhau. Trong đó, phát triển quá độ dẫn đến vi phạm, làm băng hoại các giá trị văn hóa, mà biểu hiện rất rõ là di tích bị khai thác kiệt quệ, thần thánh cũng bị đem ra trao đổi mua bán… Lý giải nguyên nhân của những xung đột này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội nhận định, tình trạng đô thị hóa quá nhanh, nhất là những bất cập trong quy hoạch, trong tổ chức xã hội đang làm mất đi những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Lối sống của người dân ở nhiều địa phương vẫn chưa bắt kịp được với lối sống văn minh đô thị. Còn theo Tiến sĩ Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Lý luận văn hóa và mỹ học, Viện văn hóa và phát triển, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, đang có sự thay đổi to lớn trong hệ thống giá trị ở đô thị Hà Nội hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là các trang mạng xã hội trên Internet, những “giá trị ảo” về tình yêu, tình bạn, niềm tin, lý tưởng… được giới trẻ đón nhận và chia sẻ, từ đó mà tác động trực tiếp đến đời sống thực của cộng đồng đô thị.

Chiều cùng ngày, Hội thảo chuyên đề “Những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và phát triển con người ở Thủ đô trong quá trình 30 năm đổi mới” cũng đã được tổ chức. Hội thảo nhận được sự góp ý sôi nổi và thiết thực của nhiều nhà nghiên cứu. Theo đánh giá, hiện tại công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiến triển chậm, kết quả chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của văn hóa Thủ đô. Việc triển khai thực hiện các chuẩn mực văn hóa cho từng đối tượng cụ thể ở một số ngành, đoàn thể chưa được quan tâm đúng mực. Những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình đang có chiều hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội; vấn đề đạo đức con người đang bị xem nhẹ vì những tác động mặt trái của kinh tế thị trường. Các tiêu chí con người Hà Nội thanh lịch văn minh còn chung chung, việc cụ thể hóa để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện chậm và lúng túng ở các ngành, các cấp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra sự thiếu đồng bộ, chậm trễ trong xây dựng thể chế, chính sách phát triển văn hóa các nguồn lực đầu tư cho con người.