Công an Hà Nội:

Xác định rõ trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ chống "cát tặc"

ANTD.VN - Ngày 2-5, Trung tướng Đoàn Duy Khương -  Giám đốc CATP Hà Nội đã ký ban hành Kế hoạch số 117 về mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn TP Hà Nội. 

Tiến hành từ ngày 1-5 đến 31-7-2019; Kế hoạch số 117 là sự cụ thể hóa quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 137 của Bộ Công an về “Cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi”.

Tại hội nghị diễn ra sáng 4-5, quán triệt đến toàn lực lượng CATP Kế hoạch số 117 , Đại tá Nguyễn Văn Viện - Phó Giám đốc CATP nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu đặt ra của Kế hoạch là chủ động phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực này để kịp thời tham mưu, kiến nghị các cấp, các ngành những biện pháp, giải pháp nhằm khắc phục, nâng cao trách nhiệm, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước; tập trung lực lượng tăng cường xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thăm dò, khai thác, nạo vét tận thu, vận chuyển, tập kết, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản xát, sỏi lòng sông trên địa bàn Thành phố.

Lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát phát hiện tàu hút cát trái phép

Theo Kế hoạch 117, đối tượng cần tập trung đấu tranh là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Thương mại và các quy định pháp luật khác có liên quan; các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác trái phép cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, cấp giấy phép trái quy định của pháp luật; thiếu trách nhiệm trong quản lý, giám sát, tiếp tay bảo kê” hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.

Các đối tượng, ổ nhóm hoạt động tội phạm sử dụng hung khí, vũ khí để tranh giành, giải quyết tranh chấp, “bảo kê” hoạt động bến bãi, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.

Các hành vi vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông không có nguồn gốc; các bãi chứa tập kết, trung chuyển, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, thương mại, đê điều và trật tự giao thông đường thủy nội địa.

Lực lượng Cảnh sát môi trường, CSGT và các đơn vị nghiệp vụ, công an các quận huyện đều nhận trách nhiệm xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản

Kế hoạch 117 cũng xác định tập trung địa bàn có những tuyến sông chính diễn ra hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh; khu vực có hoạt động khai thác cát, sỏi quy mô lớn. Địa bàn khai thác, tập kết, trung chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên các tuyến sông, những điểm có nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở, tác động xấu đến môi trường, an toàn giao thông đường thủy, đê điều và hoạt động sản xuất nông nghiệp, cư trú, sinh hoạt của nhân dân hai bên bờ sông. Các khu vực, điểm khai thác có tranh chấp, có phản ánh của chính quyền, đoàn thể, người dân hoặc đưa tin trên phương tiện thông tin, có đơn tố giác về vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi.

Cán bộ, chiến sỹ tham gia thực hiện Kế hoạch 117 chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, quy trình công tác, chế độ thông tin báo cáo, điều lệnh CAND, thực hiện văn hóa ứng xử khi làm nhiệm vụ... 

Đại tá - Phó Giám đốc Nguyễn Văn Viện đề nghị các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu Ban Giám đốc CATP báo cáo, đề xuất UBND Thành phố có văn bản chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các địa phương để tình hình địa bàn có diễn biến phức tạp, đề xuất lãnh đạo Thành phố kiên quyết xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và cán bộ phụ trách, quản lý địa bàn đối với những địa phương để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Công an Hà Nội đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc khai thác khoáng sản trái phép 

 Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến khai thác, tập kết, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trên địa bàn chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, thương mại, để điều...

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đường thủy nội địa; các trường hợp khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông trái phép; các bến, bãi vật liệu xây dựng vi phạm các quy định của pháp luật về đê điều; các vụ việc, đối tượng phạm pháp hình sự và tệ nạn xã hội nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Đại tá Nguyễn Văn Viện nhấn mạnh phòng Cảnh sát môi trường, Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm phát hiện, đấu tranh, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc được cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản cát, sỏi lòng sông; các ổ nhóm, đối tượng, tụ điểm khai thác trái phép cát, sỏi.  

Cùng với đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đấu tranh, xử lý tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; kịp thời nắm tình hình, thông tin đến phòng Cảnh sát môi trường để lập phương án, kế hoạch đấu tranh, xử lý các ổ nhóm, đối tượng, tụ điểm khai thác trái phép có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện hoạt động tại các bến, bãi trung chuyên vật liệu xây dựng, các phương tiện chở vật liệu xây dựng quá tải, qua khổ, không bảo đảm vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng các tuyến đê điều, kè, cống, công trình thủy lợi.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm đấu tranh, xử lý các đối tượng, băng, ổ nhóm có biểu hiện, dấu hiệu nghi vấn cầm đầu, “bảo kê” hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi, các đối tượng thu gom, tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng cát lòng sông.

Đối với trách nhiệm của Công an các quận, huyện, thị xã, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Viện yêu cầu chủ động tham mưu chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra xử lý, cưỡng chế giải tỏa các bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng không đúng quy hoạch, không đúng quy định; xử lý các sai phạm trong việc cấp và quản lý đất ven sông; cán bộ phụ trách, quản lý địa bàn có dấu hiệu buông lỏng.

"Những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến địa bàn các tỉnh lân cận, CATP sẽ báo cáo, trao đổi các cục nghiệp vụ của Bộ Công an để chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp tập trung đấu tranh, giải quyết đạt hiệu quả", Đại tá Nguyễn Văn Viện cho biết.

Xử lý nghiêm các mỏ cát, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng có vi phạm

Trên địa bàn TP.  Hà Nội hiện có 10 mỏ cát; phòng Cảnh sát Môi trường xây dựng kế hoạch riêng, phối hợp Công an các quận huyện, phòng Tài nguyên môi trường và Sở Tài nguyên môi trường để xác định các lỗi vi phạm.  

Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xem xét giấy phép của mỏ, đề án bảo vệ môi trường và phương tiện khai thác cát. Đây là những vấn đề mà các chủ doanh nghiệp khai thác cát hay vi phạm, như khai thác quá phạm vi được cấp phép, ngoài vị trí và thậm chí các phương tiện không được phép cũng vào khai thác cát.

Xác định rõ trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ chống "cát tặc" ảnh 4

Phòng Cảnh sát môi trường đề nghị Công an các quận, huyện chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp tập trung xác  minh làm rõ những vi phạm; chỉ ra những nội dung nào xử lý được, nội dung nào không xử lý được để có biện pháp kiến nghị cơ quan chức năng Nhà nước giải quyết dứt điểm. 

Ngoài ra, trên địa bàn TP. Hà Nội đang có 226 bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng. Công an Thành phố đã có nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, và phòng Cảnh sát môi trường cũng có kế hoạch riêng; đề nghị Công an các quận, huyện khẩn trương, nghiêm túc rà soát, xác định rõ vi phạm từ đó tiến hành từng bước giải quyết triệt, cương quyết yêu cầu chính quyền địa phương thu hồi giấy phép, hợp đồng và cưỡng chế vi phạm bến bãi...  

Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường

Phân định rõ ranh giới hành chính trên sông để xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát

Để việc thực hiện Kế hoạch số 117 đạt hiệu quả cao, Phòng CSGT đề nghị CATP có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ kiểm tra các dự án đã cấp phép, nếu phát hiện thấy các doanh nghiệp cấp phép không tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản, không tuân thủ quy định về đảm bảo ATGT đường thủy và có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép khai thác. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác cát của các công ty được cấp phép khai thác cát sỏi lòng sông.

Xác định rõ trách nhiệm, quyết liệt và đồng bộ chống "cát tặc" ảnh 5

Tôi cho rằng, chính quyền cơ sở và các ngành chức năng cần xem xét, xác định rõ ranh giới hành chính trên sông để có cơ sở pháp lý phục vụ cho việc thực thi pháp luật về giao thông đường thủy nội địa cũng như kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát tại khu vực giáp ranh.

Lực lượng CSGT cũng đề nghị CATP tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, củng cố trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ, xăng dầu và các loại phương tiện thiết yếu phục vụ công tác theo hướng hiện đại hóa cho lực lượng cảnh sát đường thủy; xây dựng bến tạm giữ phương tiện vi phạm, trang cấp thêm phương tiện tàu, động cơ đáp ứng yêu cầu công tác tuần tra kiểm soát và đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trên tuyến đường thủy nội địa.

Thượng tá Đỗ Văn Chuẩn, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông