Xác định rõ nguyên nhân oan, sai trong tố tụng hình sự

ANTĐ - Việc để xảy ra oan, sai là điều khó có thể chấp nhận vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, giảm lòng tin của người dân vào các cơ quan này nên cần có giải pháp khắc phục ngay. Đó là ý kiến của hầu hết ĐBQH trong phần thảo luận tại hội trường sáng 5-6.

* Bồi thường 7,2 tỷ đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Mở đầu phiên họp 5-6, Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo này, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững ANTT. Về cơ bản, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã áp dụng nhiều biện pháp để chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; nhờ đó tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây. 

Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến oan, sai như: Quá trình tranh tụng tại nhiều phiên toà còn hình thức, chủ yếu do lỗi chủ quan của Thẩm phán, Kiểm sát viên còn coi trọng “án tại hồ sơ”; một bộ phận cán bộ tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ; quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự còn bất cập, quy định pháp luật về giám định chưa hoàn thiện về quy chuẩn; điều kiện làm việc, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của cơ quan tư pháp, giám định tư pháp nhiều nơi và trên nhiều lĩnh vực còn thô sơ, lạc hậu; cơ sở giam, giữ còn chưa đáp ứng yêu cầu…

ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) phát biểu, cần khẳng định hoạt động giám sát về tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự là một chủ trương đúng, trúng của Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tế. Ông đề nghị Quốc hội sớm ra Nghị quyết về vấn đề này.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu ý kiến, bên cạnh việc chỉ ra các vụ oan, sai, báo cáo cần làm rõ hơn về hiện trạng, kết quả trấn áp tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cũng theo báo cáo, tỷ lệ oan, sai trên tổng số các vụ án được khởi tố là rất thấp, nên việc đánh giá với mức độ nghiêm trọng như trong báo cáo là chưa phù hợp với thực tế. Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an (ĐBQH Hà Nội) đề nghị cần phân tích kỹ hơn các số liệu để làm rõ việc dẫn đến oan, sai ngoài trách nhiệm của cơ quan tố tụng còn có trách nhiệm các cơ quan khác. 

Cũng trong buổi thảo luận tại hội trường, ĐB Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao xin tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các ĐBQH đồng thời khẳng định, việc để xảy ra oan, sai là điều không thể chấp nhận được, làm ảnh hưởng đến uy tín cơ quan tiến hành tố tụng nên cần nhanh chóng phân tích làm rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả. “Riêng với vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi đã xin lỗi và thương lượng bồi thường với số tiền 7,2 tỷ đồng” - Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình cho biết.