Xả thân cứu người trong gang tấc

ANTD.VN - “Các cụ vẫn bảo, người khôn ngoan “Ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi”, thế nhưng nhiệm vụ của chúng tôi thì ngược lại, cứ khi người ta chạy ra thì mình lại lao vào. Cứu nạn cứu hộ là công việc bất kể thời gian, luôn luôn gấp gáp bởi chẳng ai biết sự cố sẽ xảy ra khi nào. Và khi đã theo nghề này, người lính cũng phải luôn biết đặt tính mạng của nạn nhân cao hơn tính mạng của chính họ” - Đại úy Bùi Duy Long, Phó Đội trưởng Đội Chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ trên sông, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, CATP Hà Nội khái quát về công việc của mình.

Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia tìm kiếm chiếc xe bị lao xuống sông Hồng 

Chạy đua với thời gian

Nếu như công việc của lính hình sự, ma túy hay kinh tế... là truy lùng tội phạm, phá tan những ổ nhóm lưu manh để bảo vệ người dân, trả lại công bằng cho xã hội thì công việc của lính PCCC&CNCH lại là cứu người, cứu tài sản. Họ chỉ xuất hiện vào lúc người dân đang gặp hoạn nạn, ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần và bằng mọi nỗ lực nhằm hạn chế thiệt hại. 

Ngoài việc lao vào những đám cháy, những vụ nổ, những đống đổ nát đang chôn vùi nạn nhân ở trên cạn thì lính PCCC&CNCH cũng phải lao xuống nước giữa trời đông băng giá, lần mò vào những phương tiện bị chìm đắm để trục vớt, đưa nạn nhân lên bờ. Thế nên, gọi họ là những thủy quân lục chiến của ngành công an có lẽ cũng chẳng có gì sai. Do đặc thù công việc luôn luôn thường trực trong sự hiểm nguy nên hầu hết những người lính PCCC&CNCH chúng tôi gặp đều khá trẻ. Thể lực là một yếu tố sống còn của nghề này. Tuy nhiên, Đại úy Bùi Duy Long bảo, dù anh em trong đội ai cũng có sức khỏe rất tốt, nhưng khi nhập cuộc, chiến đấu trong điều kiện thiếu oxy hay khí độc bủa vây thì khỏe đến mấy cũng rất nhanh kiệt sức. 

Trung úy Đỗ Văn Ánh, cán bộ của Đội PCCC&CNCH là người đã từng tham gia cứu người trong vụ sập ngôi nhà 4 tầng đang xây ở 43 phố Cửa Bắc (Hà Nội) hồi tháng 8-2016. Anh vẫn nhớ lúc đó là 2h30 sáng, khi mọi người còn đang say ngủ thì đột nhiên toàn đơn vị báo động. Ngay lập tức cả đội tập hợp và nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khi tới nơi, toàn bộ khu vực đã được các lực lượng khác phong tỏa, bảo vệ và mọi ánh mắt của người dân đều đổ dồn vào Đội PCCC&CNCH để trông đợi họ mang đến một phép màu cho các nạn nhân đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia cứu nạn nhân bị chôn vùi trong ngôi nhà 43 Cửa Bắc

“Thông tin của chúng tôi có được lúc đó rất ít ỏi, chỉ biết những nạn nhân đang bị vùi lấp dưới đống đổ nát khổng lồ kia là nhân viên của một quán lẩu. Nhưng số lượng là bao nhiêu người thì không ai dám chắc chắn. Ngay cả chủ quán cũng chỉ biết gọi vào số điện thoại của từng nhân viên, cứ số nào không có trả lời thì được coi là đang nằm trong đó. Không có máy dò, không thể xác định chính xác vị trí cần tìm kiếm, không có bất cứ tín hiệu nào từ các nạn nhân. Chúng tôi đào bới cật lực với giả thiết là có thể họ vẫn còn sống và phải tìm bằng được trước khi tử thần ập đến” - Trung uý Ánh nói.

Dưới ánh đèn cao áp, cả đội làm việc khẩn trương. Mồ hôi ướt đẫm, đọng thành giọt trên mặt rồi nhanh chóng biến thành từng dòng chảy vào miệng mặn chát. Cát bụi thi nhau chui vào mắt khiến họ cay xè, nhưng không một ai ngơi nghỉ. Những người lính chui vào các khe sàn bê tông nặng hàng chục tấn đổ nghiêng ngả luôn sẵn sàng sập xuống đè nát thân thể họ bất cứ lúc nào. Các thanh dầm thép chồng đống, đan chéo nhau chờ đợi để có thể nghiến nát chân tay họ nếu chỉ có một sơ sẩy nhỏ. 

Trung úy Đinh Văn Quang, người cùng với Trung úy Ánh tham gia cuộc tìm kiếm bảo: “Điều kiện hiện trường lúc ấy không cho phép chúng tôi dùng máy móc hiện đại bởi nó không phù hợp. Anh em đều buộc phải dùng tay. Không ai có thể hình dung được chúng tôi đã phải vật lộn vất vả đến mức nào với đống đổ nát hỗn độn ấy. Cuối cùng thì đến 13h những nạn nhân cuối cùng cũng được Đội PCCC&CNCH đưa ra. Trong tổng số 4 nạn nhân thì chúng tôi đã cứu được 2 người còn sống. Một trong số những người sống sót là cô gái Bùi Thị Thoa”.

Nhớ lại tình huống của cô gái này, Trung úy Ánh vẫn rùng mình. Thoa bị mắc kẹt trong một khe tường. Đất đã vùi kín khiến cô không thể kêu cứu được mà chỉ có thể thò duy nhất một đốt ngón tay lên để ra hiệu. Bằng sự nhạy cảm thần kỳ nào đó, khi bước qua vị trí này, những người lính đã phát hiện ra cử động mong manh ấy. Vậy là họ phải gỡ từng viên gạch, luồn ống dưỡng khí và bốc từng nắm đất để đưa cô ra.  Mái tóc của Thoa bị kẹt trong tấm trần bê tông cũng buộc phải cắt bỏ. Nhưng cứu được cô là cả một cuộc đua thần tốc với tử thần.

Chuẩn bị sẵn sàng trước khi lên đường làm nhiệm vụ

Những nỗi buồn ở lại

Không phải cuộc giải cứu nào cũng mang lại niềm vui, ngay cả khi lính PCCC&CNCH đã hoàn thành xong nhiệm vụ. Rất nhiều chuyến công tác của đội được thực hiện chỉ mới một yêu cầu, nhanh chóng tìm kiếm nạn nhân để bàn giao lại cho gia đình của họ. Đó là khi họ phải tìm những nạn nhân đuối nước dưới mặt hồ giá lạnh và rộng mênh mông hoặc đưa những nạn nhân của các vụ cháy ra ngoài.

Thiếu úy Nguyễn Đinh Thanh đã từng phải lặn xuống hồ Ba Mẫu giữa đêm hè của năm 2017 để tìm kiếm một thanh niên đuối nước. Hôm ấy nhận tin, Thiếu úy Thanh cùng 3 thành viên của đội mặc đồ lặn lần mò dưới đáy hồ đen đặc suốt nhiều tiếng đồng hồ mới tìm được vị trí nạn nhân để đưa lên bờ. Anh kể, hôm đó có một tốp thanh niên đi chơi về muộn, trời nóng nên họ rủ nhau xuống hồ bơi vài vòng cho mát. Ai dè khi tất cả đã lên bờ thì thấy thiếu một người. Không ai biết người bị nạn chìm ở chỗ nào và công việc của lính PCCC&CNCH là phải “mò kim đáy bể”. “Chúng tôi ngâm mình cả tiếng đồng hồ mà mỗi khi ngoi lên, nhìn cảnh người thân họ đang đau khổ mà không cầm lòng được” - Thiếu úy Nguyễn Đinh Thanh nói.

Với lính PCCC&CNCH dưới nước thì khi làm nhiệm vụ, mọi điều kiện làm việc khác xa với thực tế. Nếu như ở trong trường, khi được huấn luyện lặn biển họ có thể nhìn được khá xa vì đáy biển sạch và trong. Nhưng khi làm nhiệm vụ thực tế thì công việc của họ lại chủ yếu ở sông hồ, nơi nguồn nước rất bẩn và ô nhiễm khiến tầm nhìn gần như bằng 0. Ngay cả đèn soi dưới nước cũng không có tác dụng. Dó đó, hầu hết họ phải “nhìn” bằng... tay và trực giác, kinh nghiệm nghề nghiệp sau nhiều năm theo nghề.

Một ví dụ gần đây nhất là vụ tai nạn hôm 3-11-2018 khi họ nhận tin phải tìm kiếm một chiếc ô tô bị rơi xuống sông Hồng lúc 19h. Nước lạnh giá, chảy xiết, vị trí lại không rõ ràng. Từng tốp 4 thợ lặn phải nắm dây dàn hàng ngang dưới đáy sông rà đi soát lại từng mét. Cuối cùng sau 5 tiếng đồng hồ mò mẫm, vị trí của chiếc xe cũng được tìm thấy và cả đội đã phối hợp với một số thuyền chài lành nghề đưa chiếc xe dưới nước về bến Bồ Đề rồi cẩu lên bờ.

Nếu trên cạn, lính PCCC&CNCH có thể làm nhiệm vụ cùng đồng đội bên cạnh thì khi dưới nước họ phải hành động và ra quyết định một mình. Lạnh lẽo và cô đơn, những người lính còn phải đối mặt với những nguy hiểm thường trực như sự chênh lệch áp suất có thể khiến phổi họ vỡ tung, hoặc ngộ độc khí Ni-tơ dẫn đến tử vong nếu họ có một sơ suất nhỏ.

Trung bình cứ xuống sâu 10m thì cơ thể sẽ chịu áp suất là 1 Atmosphere, nghĩa là 1cm2 cơ thể chịu áp lực tương đương 1kg. Nếu tính toàn bộ diện tích cơ thể thì lúc này toàn thân họ đang phải chịu một lực ép lên tới hàng trăm kilogam. Lúc này tai người lính đau buốt đến tận óc. Thêm nữa, do luôn phải ngậm ống thở để thở bằng miệng nên chỉ một lát miệng họ sẽ khô khốc vì mất nước. Và để khắc phục thì họ chỉ còn cách chấp nhận uống một ngụm nước ở ngay dưới đáy hồ dù biết nó chẳng hề sạch sẽ gì.

Hiểm nguy, vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ có người lính nào từ chối nhiệm vụ của mình. Và cứ mỗi khi ở đâu có sự cố, tai nạn hoặc người dân cầu cứu thì lính PCCC&CNCH vẫn sẵn sàng có mặt.