Xã hội hóa hạ tầng sân bay: Cơ chế chưa xong, đã mong được góp vốn

ANTĐ - Nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ được mua quyền khai thác một số sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Cam Ranh…, dù vẫn chưa xác định được cơ sở pháp lý về nhượng quyền hạ tầng.

Xã hội hóa hạ tầng sân bay: Cơ chế chưa xong, đã mong được góp vốn ảnh 1Các dự án xã hội hóa hạ tầng hàng không đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư 

Dù cơ chế, chính sách cho phép tư nhân tham gia đầu tư, mua quyền khai thác hạ tầng hàng không chưa rõ ràng, lĩnh vực này vẫn tạo ra sức hút kỳ lạ với nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ được tham gia.

Nhiều “ông lớn” muốn tham gia

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hầu hết các hạng mục ở nhiều sân bay hiện đều có các nhà đầu tư ngỏ ý quan tâm, mong được đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác. Trong đó, có nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực hạ tầng và một số tập đoàn tên tuổi.

Theo danh sách các nhà đầu tư nộp về ACV, nóng nhất hiện nay không phải sân bay Tân Sơn Nhất hay cảng hàng không quốc tế Nội Bài mà là dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh. Đến thời điểm này, đã có 9 nhà đầu tư ngỏ ý được tham gia đầu tư xây dựng dự án. Trong đó, Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành là doanh nghiệp mới nhất vừa nộp hồ sơ gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư một trong những dự án hạ tầng hàng không được đánh giá là hấp dẫn nhất hiện nay.

Dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh với công suất 2 triệu hành khách/năm, có tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Cục Hàng không cho biết, hiện ACV đang lựa chọn đối tác tham gia góp vốn để thành lập công ty cổ phần thực hiện dự án. Một trong những tiêu chí mà ACV đưa ra là đối tác phải có đủ kinh nghiệm và năng lực tài chính, có thâm niên trên 5 năm hoạt động. Trong 3 tháng, đối tác phải nộp đủ số tiền dự kiến đầu tư cho dự án kể từ ngày ký văn bản thỏa thuận góp vốn. Tại dự án này, đối tác nước ngoài không nằm trong danh sách được lựa chọn. Bên cạnh đó, một ràng buộc cũng được Cục Hàng không đưa ra nhằm tránh tình trạng độc quyền, tư nhân hóa sân bay là tổng vốn góp của các nhà đầu tư, hãng hàng không không quá 30% tổng mức đầu tư dự án.

Cần bước đi thận trọng

Cùng với Cam Ranh, Phú Quốc cũng là dự án thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư. Hai cái tên muốn tham gia vào dự án là Tập đoàn T&T và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn. Tuy nhiên, ACV cho biết, mới chỉ xác định được một số định hướng lớn trong việc thí điểm cho thuê cảng hàng không này.

Cụ thể, tài sản cho thuê sẽ phải gắn liền với đất thuê, không bao gồm sân đỗ của sân bay Phú Quốc trong vòng 30 năm; nhà đầu tư phải trả tiền một lần trên cơ sở giá dịch vụ hành khách vào thời điểm hiện tại. Để thu hút khách tới đảo Ngọc, Cục Hàng không kiến nghị Bộ GTVT cho phép mở cửa bầu trời đối với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, không hạn chế cấp thương quyền, đồng thời kiến nghị miễn thị thực nhập cảnh cho tất cả công dân nước ngoài đến Phú Quốc bằng chuyến bay thẳng quốc tế. 

Một sân bay nhỏ và chưa có nhiều hoạt động nổi bật ở miền Bắc là sân bay Cát Bi (Hải Phòng) hiện cũng đang thu hút được 2 nhà đầu tư muốn tham gia vào dự án nhà ga hàng hóa, là Công ty CP Đầu tư và khoáng sản Hợp Thành và hãng hàng không Vietjet Air. Tuy nhiên, đến nay, ACV vẫn chưa chốt được nhà đầu tư nào. Theo ông Đào Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc ACV, một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai các dự án xã hội hoá hạ tầng hàng không là chưa xác định được hình thức đầu tư và cơ sở pháp lý về nhượng quyền hạ tầng. 

Liên quan tới vấn đề này, cuối tháng 8-2015, Bộ KH-ĐT đã có văn bản góp ý gửi Bộ GTVT về huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. Theo đó, Bộ KH-ĐT đề nghị, không đưa 6 dự án xã hội hóa hạ tầng hàng không mà ACV đang kêu gọi đầu tư vào danh mục các dự án áp dụng hình thức đầu tư trực tiếp trong giai đoạn đến năm 2020 trong đó có nhà ga quốc tế sân bay Cam Ranh, nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng, nhà ga hàng hóa sân bay Cát Bi…

Theo Bộ KH-ĐT, hình thức đầu tư trực tiếp chỉ nên áp dụng cho các dự án đầu tư có tính chất thương mại như khu chế biến suất ăn, hangar sửa chữa máy bay… “Hình thức nhượng quyền khai thác sân bay là hình thức mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, vì vậy cần có những bước đi thận trọng”, ông Nguyễn Văn Trung - Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đề nghị. Ngoài ra, Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Bộ GTVT thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến 2020, chỉ đưa một số lĩnh vực phù hợp tại Cảng hàng không Phú Quốc vào danh mục thí điểm nhượng quyền khai thác.